SK&MT – Luôn quan tâm đến các vấn đề “nóng” diễn ra tại Việt Nam, chiều 21/9, tại Hà Nội, nhóm cựu sinh Australia tại Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm “Air Talk – Không khí quanh ta” nhằm giúp mọi người hiểu rõ hơn về môi trường mình đang sống, qua đó thảo luận những phương pháp bảo vệ sức khỏe cho người dân..
Ông Michael Sadlon – Giám đốc Chương trình Aus4Skills và bà Đinh Thị Việt Anh – đại diện Đại sứ quán Australia tại buổi tọa đàm
Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động thuộc chiến lược cựu sinh Australia tại Việt Nam của Đại sứ quán Australia, được tổ chức bởi Aus4Skills nhằm tạo ra một mạng lưới các cựu sinh trong cùng lĩnh vực để chia sẻ thông tin, tăng cường hiểu biết, học hỏi lẫn nhau và cùng phát triển. Gần 100 cựu sinh Australia tại Việt Nam đã tham dự tọa đàm.
Các cựu sinh Australia là chuyên gia trong lĩnh vực hô hấp – môi trường đã có những phân tích về hiện trạng và nguyên nhân ô nhiễm không khí tại Hà Nội; những yếu tố chính tác động đến chất lượng không khí, ô nhiễm không khí và tác động sức khỏe…
PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương – Giảng viên cao cấp Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, cựu sinh Trường ĐH Adelaide mở đầu phần trình bày bằng hình ảnh một Hà Nội mịt mờ màu xám của khói bụi, những chỉ số trong 2 – 3 ngày tới cho thấy không khí Hà Nội trong tình trạng ô nhiễm.
Diễn giả Hoàng Thị Thu Hương tại buổi tọa đàm
Hình ảnh Hà Nội mấy ngày gần đây trong bài thuyết trình của PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương
Cần nhìn thẳng vào sự thật hoạt động con người là nguồn ô nhiễm chính: Đốt cháy nhiên liệu xe cơ giới: ô tô, tàu hỏa…; Sản xuất điện: nhà máy, đốt dầu than; Khu công nghiệp: nhà máy sản xuất, mỏ khai thác, nhà máy lọc dầu; Đốt chất thải, rác thải nông nghiệp, thành phố; Hoạt động nấu ăn, sưởi ấm, chiếu sáng với nhiên liệu gây ô nhiễm… Chuyên gia nhấn mạnh hiện tượng “nghịch đảo nhiệt” cũng đang khiến không khí không được trong lành.
PGS.TS Trần Ngọc Quang giới thiệu về thiết bị quan trắc KOALAs
Những con số thông tin tại tọa đàm khiến không ít người “sốc”: Trên toàn thế giới, đã có 4,2 triệu người tử vong mỗi năm do tiếp xúc với ô nhiễm không khí xung quanh; 3,8 triệu người tử vong mỗi năm do tiếp xúc với khói bếp và nhiên liệu bẩn; 91% dân số thế giới sống ở những nơi mà chất lượng không khí vượt quá giới hạn hướng dẫn của WHO.
Bác sĩ Vũ Văn Giáp thảo luận cùng các cựu sinh
Theo PGS.TS. Bác sĩ Vũ Văn Giáp – Tổng thư ký Hội Hô hấp Việt Nam; PGĐ Trung tâm Hô hấp – Bệnh viện Bạch Mai; Cố vấn Y khoa Viện Nghiên cứu Woolcock – ĐH Sydney; Cựu sinh ĐH Sydney, ô nhiễm không khí là kẻ giết người thầm lặng, là thủ phạm chính gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
GS Guy Marks – GS về Hô hấp, ĐH New South Wales, Trường Y tế Tây Nam Sydney thuyết trình tại tọa đàm
Đưa góc nhìn xa hơn, GS Guy Marks – GS về Hô hấp, ĐH New South Wales, Trường Y tế Tây Nam Sydney đưa ra góc nhìn “Từ khoa học tới chính sách, tác động môi trường và bảo vệ sức khỏe”. Theo vị chuyên gia quốc tế, trước khi đưa ra một đề tài, chiến lược, cần đặt các câu hỏi liên quan đến chính sách; tối ưu hóa thiết kế nghiên cứu; Tối ưu hóa các biện pháp tiếp xúc và kết quả; Tham khảo ý kiến các bên liên quan…
Gần 100 cựu sinh Australia tham dự hội thảo đã thảo luận về các vấn đề liên quan đến không khí, môi trường sống, từ mối quan tâm đến dự án thiết bị quan trắc KOALAs đo một số chỉ số trong không khí tại khu vực Bách Khoa, Linh Đàm (Hà Nội) đến việc phân tích, đo lường các chỉ số không khí sau vụ cháy Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông…
Gần 100 cựu sinh Australia tại Việt Nam tham gia buổi tọa đàmCác cựu sinh thảo luận sôi nổi về tình hình không khí tại Việt Nam
Câu hỏi được quan tâm nhất là: Nếu sống trong bầu không khí đang bị ô nhiễm, bụi ngoài tăng cao, mỗi người cần làm gì? PGS.TS Trần Ngọc Quang – Chủ tịch Hội đồng Khoa học kỹ thuật Môi trường; Trưởng bộ môn Vi khí hậu – Môi trường Xây dựng, Trường ĐH Xây dựng; Cựu sinh ĐH Công nghệ Queensland – đưa ra lời khuyên: Hãy ở trong phòng và đóng kín cửa; Sử dụng các thiết bị lọc bụi phù hợp; Sử dụng thiết bị thông gió – điều hòa không khí thông minh…