Các đại biểu tìm hiểu kinh nghiệm của Australia về quản trị và quản lý chất lượng GD ĐH – trụ sở Bộ GD – ĐT Liên bang Australia
GD&TĐ – Mới đây, thông qua Chương trình Công tác Học tập được xây dựng bởi Aus4Skills, các chuyên gia Việt Nam đã có cơ hội gặp gỡ, làm việc với các bên liên quan, học hỏi kinh nghiệm quản trị, quản lý, khảo sát mô hình trường ĐH tự chủ tại Australia.
Nhóm chuyên gia trong đó có bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ GD ĐH (Bộ GD&ĐT); ông Vũ Đức Minh – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo Văn xã – Văn phòng Chính phủ, đã có những ghi nhận về bài học kinh nghiệm quản lý Nhà nước trong GD ĐH ở Australia, từ đó có thể học hỏi, ứng dụng trong công tác quản lý Nhà nước các trường ĐH ở Việt Nam.
Quản lý Nhà nước trong GDĐH ở Australia
Trong một nghiên cứu về hệ thống GDĐH Australia, các chuyên gia Australia đã mô tả việc quản trị trong GDĐH như sau: Các trường đại học Australia là các cộng đồng tự quản trị với các cấu trúc quản trị được định nghĩa theo khuôn khổ pháp lý khi thành lập. Các cấu trúc khác nhau nhưng có 3 trụ cột cơ bản: Doanh nghiệp (xác định mục tiêu chiến lược), học thuật (xác định/quản lý mục tiêu học thuật) và quản trị điều hành (trong việc thực thi doanh nghiệp và các mục tiêu học thuật). Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm quản trị điều hành. Hội đồng trường chịu trách nhiệm về quản trị doanh nghiệp (và được điều hành bởi Chủ tịch Hội đồng). Hội đồng trường được hỗ trợ bởi Hội đồng Học thuật, chịu trách nhiệm điều hành các hoạt động học thuật.
Được biết, các chuyên gia tập trung tìm hiểu về hệ thống trường ĐH của Australia, quản lý Nhà nước về GD ĐH ở Australia, vai trò và cơ chế phối hợp của các bên liên quan; Chính sách phát triển GD ĐH, cơ chế đảm bảo chất lượng GD ĐH; Tự chủ ĐH từ góc độ cơ quan quản lý Nhà nước.
Những tương đồng và khác biệt
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ GD ĐH (Bộ GD&ĐT) – phát biểu tại một hội thảo trong chuyến công tác tập huấn.
Ở Australia có 39 trường ĐH, trong đó có 37 trường ĐH công lập, 2 trường ĐH tư thục và 131 các tổ chức cung cấp các dịch vụ GD ĐH. GD ĐH của Australia chịu sự chi phối của nhiều luật khác nhau, đó là 3 luật GD ĐH: Luật Đảm bảo chất lượng PISA, Luật cung cấp dịch vụ GD cho các SV nước ngoài, Luật hỗ trợ GD ĐH. Ngoài ra, các trường ĐH ở Australia còn bị chi phối bởi một số luật khác, như Luật doanh nghiệp, bởi các trường ĐH ở Australia hoạt động như là một doanh nghiệp.
Quản lý Nhà nước về GDĐH ở Australia có sự tham gia của rất nhiều cơ quan khác nhau bao gồm Bộ GD Liên bang, Bộ GD ở các tiểu bang, TEQSA – cơ quan quản lý tiêu chuẩn; ASQA – cơ quan quản lý về kỹ năng; ARC – Hội đồng nghiên cứu của Australia. Ngoài ra còn có các bên liên quan như các Hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức nghiệp đoàn tham gia xây dựng và phản biện chính sách.
Theo nhóm chuyên gia, tự chủ ĐH ở Việt Nam và Australia có nhiều nét tương đồng, tuy nhiên, giữa chính sách và thực thi ở Việt Nam có khoảng cách. Có 4 điểm khác nhau rõ nét. Đó là Australia có rất ít trường ĐH nhưng các trường ĐH thường đa lĩnh vực với quy mô rất lớn, khoảng từ 20.000 SV, tập trung nguồn lực để phát triển và nghiên cứu liên ngành. Còn ở Việt Nam có nhiều trường ĐH nhưng đơn lĩnh vực, quy mô nhỏ, nguồn lực bị phân tán, chi phí cao, hiệu quả thấp hơn. Australia có 22 triệu dân với 39 trường ĐH. Việt Nam có hơn 90 triệu dân với gần 250 trường ĐH.
7 trong số 39 trường ĐH Australia thuộc top 100 trường ĐH hàng đầu thế giới. Còn Việt Nam chưa có trường nào lọt vào tốp 200 của các bảng xếp hạng quốc tế. Đáng chú ý, Australia không có ngành công nghiệp nào có riêng trường ĐH của mình. Việt Nam có hơn 30 bộ, ngành, địa phương có các trường ĐH trực thuộc.
Đề xuất cho quản lý Nhà nước GD ĐH Việt Nam
Từ các phân tích, khảo sát, trao đổi trực tiếp với chuyên gia Australia, nhóm chuyên gia Việt Nam đề xuất Việt Nam cần xây dựng chính sách quản lý Nhà nước phù hợp, hiệu quả và có chất lượng, tăng cường sự tham gia của các bên liên quan. Cụ thể là xây dựng các bộ chuẩn chất lượng để rà soát, sắp xếp lại hệ thống các cơ sở GD ĐH. Bên cạnh đó hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ tự chủ ĐH toàn diện (tài chính, nhân sự, học thuật). Cùng đó xây dựng khung đảm bảo chất lượng GD ĐH.
Nhóm chuyên gia mong muốn nghiên cứu để xây dựng và hình thành một tổ chức bảo đảm chất lượng của quốc gia Việt Nam như TEQSA của Australia. Qua nghiên cứu, trao đổi với các tổ chức này tại Australia, nhóm nhận thấy vai trò của bảo đảm chất lượng, xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng rất quan trọng để đảm bảo năng lực cạnh tranh của các trường ĐH. Vì vậy, nên có một nghiên cứu sâu để hình thành nên tổ chức như TEQSA của nước bạn.
Bên cạnh đó, nhóm chuyên gia Việt Nam mong muốn được nghiên cứu sâu hơn về quy trình; chỉ số làm căn cứ cấp ngân sách Nhà nước, quản lý dự án theo kết quả đầu ra; cách thức tính toán xác định chi phí đơn vị trong đào tạo. Cùng đó, phân loại hệ thống GD ĐH theo chất lượng, uy tín, từ đó có chính sách quản lý khác nhau; cơ chế đảm bảo chất lượng triển khai khung trình độ quốc gia.
Nguồn: GD&TĐ