GD&TĐ – Học ĐH sư phạm tại Nga; học thạc sĩ Quản lý GD theo Chương trình Học bổng Chính phủ Úc; học thêm Cao đẳng mầm non Úc – chị Phạm Thị Cúc Hà thể hiện đam mê với GD bằng việc bỏ công sức, thời gian để theo học các kiến thức để quản lý các trường từ mầm non đến cấp cao hơn, trải nghiệm thực tiễn dạy học trong trường mầm non… và về Việt Nam khởi nghiệp.
Đưa mô hình GD Úc vào Việt Nam
Thời gian học tập tại Úc, chị Cúc Hà không chỉ học lý thuyết mà còn có nhiều cơ hội thực hành. Chị tham quan các trường mầm non, tiểu học, trung học, trao đổi và làm việc với nhiều nhà quản lý GD. Chị cảm nhận mô hình GD Úc cho phép mỗi HS được phát huy hết những khả năng của mình mà không nhất thiết tạo áp lực phải cạnh tranh với những bạn khác. Theo chị Cúc Hà, đây là điều GD Việt Nam có thể học tập. Chị Cúc Hà cùng giáo sư hướng dẫn xây dựng đề án một trường mầm non quốc tế tại Việt Nam. “Nhưng có thời gian suy nghĩ sâu hơn, tôi nhận thấy đối tượng mình muốn hướng tới là HS Việt Nam. Tôi mong muốn HS Việt Nam được học văn hóa Việt Nam trong ngôi trường có yếu tố quốc tế” – chị Cúc Hà chia sẻ.
Năm 2007, chị Cúc Hà thành lập Trường mầm non Just Kids, mục đích khởi điểm là mở trường cho thỏa đam mê với GD, cho con đang độ tuổi mầm non có chỗ học. Chị đưa cách tiếp cận của Úc: Dạy học song ngữ và “Học qua chơi” vào Trường mầm non Just Kids. Năm học đầu tiên, trường có gần 40 HS là con của bạn bè chị Cúc Hà tin tưởng gửi vào trường. Sau 11 năm, chị Cúc Hà là Giám đốc chương trình của 5 trường mầm non Just Kids tại Hà Nội.
Khi con gái lớn vào lớp 10, chị Cúc Hà đưa con sang Úc tìm hiểu GD phổ thông cho con du học. Gặp lại những các thầy cô giáo dạy học ngày trước, nói chuyện, trao đổi về những đổi mới của GD tại Việt Nam, các thầy cô đặt câu hỏi: Tại sao Cúc Hà không mang SACE – chương trình THPT của bang Nam Úc về Việt Nam? Nếu làm được như vậy sẽ mang lại giá trị rất lớn cho HS Việt Nam. Câu hỏi đó khiến chị Cúc Hà suy nghĩ rất nhiều.
Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, năm 2016, chị và một nhóm bạn cùng chí hướng quyết định thành lập SACE Việt Nam để đưa chương trình SACE về Việt Nam với sự uỷ quyền của SACE Board Australia, Bộ GD Nam Úc. Vào năm 2018, SACE Việt Nam cùng Hệ thống GD HOCMAI thành lập trường Hanoi Adelaide School – ngôi trường liên cấp với mong muốn dạy HS từ tiểu học đến THPT theo Khung chương trình phổ thông mới của Việt Nam và Khung chương trình của Úc, hướng tới song bằng khi tốt nghiệp trong tương lai cho HS phù hợp với xu thế hiện nay.
Trăn trở đào tạo giáo viên
Khi đưa mô hình GD Úc vào Việt Nam, khó khăn đầu tiên với chị Cúc Hà không nằm ở nội dung chương trình mà lại ở việc đào tạo GV. Các thầy cô giáo Việt Nam có thói quen truyền tải nhiều kiến thức một chiều cho HS. Trong khi với cách tiếp cận “Học qua chơi” của Úc, GV chỉ hỗ trợ, tạo một nền tảng, môi trường, gợi mở để HS khám phá. Đó là sự khác biệt và cũng là thách thức của chị Cúc Hà.
Đào tạo lại GV, lúc đầu chị Cúc Hà làm theo cách “cầm tay chỉ việc”, viết sẵn các kế hoạch giảng dạy, kể cả các câu hỏi HS cũng được chị bày sẵn, như một kịch bản lên lớp vậy. Sau đó GV cũng “vào guồng” nhưng một số người lại trở nên dựa dẫm và máy móc. Chị Cúc Hà thay đổi cách thức, lấy ý kiến của GV để họ cùng tham gia vào quá trình phát triển chương trình, giúp GV nâng cao kiến thức, làm chủ phương pháp tiếp cận.
Trăn trở với việc đào tạo GV, trong 5 năm qua, chị Cúc Hà dồn sức để mở một Trung tâm đào tạo GV mầm non theo phương pháp đào tạo của Úc – đào tạo tại chỗ. Nghĩa là HS tốt nghiệp THPT xong có thể vào trường mầm non làm việc luôn và học theo kiểu thực hành luôn trong thời gian làm việc đó.
Chính chị Cúc Hà cũng từng trải nghiệm cách học như vậy. Chị thấy rằng khi học trong quá trình làm việc sẽ đối chiếu được kinh nghiệm thực tế với các kiến thức lý thuyết trên lớp, từ đó GV sẽ cập nhật được tình hình, thích ứng hơn với môi trường làm việc. HS trong quá trình vừa học vừa làm cũng có lương luôn thay vì chỉ đi học. Chị Cúc Hà vẫn đang tiếp tục theo đuổi dự án với mong muốn đáp ứng được nhu cầu đào tạo GV mầm non tại Việt Nam.
Niềm vui mỗi ngày đến trường
“Người ta cứ nói làm GD thì kiếm nhiều tiền lắm! Tôi cứ nghĩ nếu có mấy trăm tỷ đồng, thay vì đầu tư cho GD, bỏ tiền mua đất, tiền xây trường… 50 năm chưa thu hồi vốn mà đi đầu tư cho lĩnh vực khác chắc chắn lợi nhuận cao hơn rất nhiều. Những người như tôi làm GD chỉ vì đam mê, mong muốn mang lại nhiều giá trị cho HS Việt Nam” – Thạc sĩ Phạm Thị Cúc Hà.
Thông thường, ở nước ngoài, Bộ GD yêu cầu người quản lý, GV, nhân viên trường học một năm phải được đào tạo theo số giờ quy định. Tuy ở Việt Nam việc này chưa bắt buộc nhưng chị Cúc Hà cho rằng ở cương vị của mình phải luôn cập nhật thông tin, bồi dưỡng chuyên môn. Tham gia chương trình SACE, chị Cúc Hà thường xuyên sang Úc và các nước khác để học tập. Việc chị Cúc Hà coi trọng hàng đầu chính là bồi dưỡng chuyên môn cho bản thân, sau đó quay lại đào tạo các GV.
Bên cạnh đó, chị Cúc Hà tham gia các khóa học online. Đôi khi những khóa học giúp chị biết thêm được những khía cạnh rất nhỏ, như tạo ra lời mời gọi chơi cho trẻ con như thế nào để HS hứng thú, hay đưa ra một đồ chơi mới giúp HS mầm non tăng khả năng tư duy, khám phá… Dường như chị Cúc Hà lúc nào cũng nghĩ đến việc làm thế nào để HS vui vẻ hơn, giảng dạy hiệu quả hơn, quản lý tốt hơn… những công việc liên quan đến ngôi trường, GV, cán bộ của mình, đến mức mọi người còn trêu, gọi chị là người… “tăng động” đầu óc!
Hỏi chị: “Làm GD cho chị điều gì?” Chị Cúc Hà trả lời ngay: “Niềm vui! Đến trường tôi sung sướng nhất khi thấy HS luôn vui vẻ. Tôi không biết triết lý GD cao siêu như thế nào, phương pháp GD tân tiến đến đâu, nhưng nếu vào trường thấy HS phấn khởi, khuôn mặt cứ sáng bừng lên, với tôi đó chính là thành công!”. Và mỗi ngày của chị Cúc Hà đều luôn ngập tràn ánh mắt, nụ cười rạng rỡ của HS như vậy.
Nguồn: Báo GD&TĐ