Ms. Nguyen Thi Thu Thuy presented the final report at the course
GD&TĐ – Kiểm tra cuối kỳ tại khoa Ngoại ngữ Trường ĐH Tây Bắc, các sinh viên đều được đưa ra nhận xét về bài thuyết trình của bạn học trước tập thể lớp, giáo viên bộ môn và giáo viên khách mời. Việc đánh giá cho điểm minh bạch, công bằng, khiến sinh viên “tâm phục khẩu phục”.
Đây là bước đột phá vận dụng từ những kiến thức học tập chuyên gia Australia của cô Phó Trưởng khoa Ngoại ngữ Nguyễn Thị Thu Thủy.
Cô Thủy vừa kết thúc khóa học ngắn hạn “Xây dựng và đổi mới chương trình đào tạo hệ cử nhân” Chương trình học bổng Chính phủ Australia do Trường ĐH Công nghệ Queensland tổ chức trong khuôn khổ Chương trình Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực (Aus4Skills). Chuyến đi “thực địa” tại Australia trong 2 tuần, được tận mắt thấy những mô hình giáo dục, tìm hiểu về chương trình đào tạo của các trường ĐH Úc đã khởi nguồn cảm hứng để cô có những đổi mới trong kiểm tra đánh giá tại khoa Ngoại ngữ Trường ĐH Tây Bắc.
Trao đổi với phóng viên báo Giáo dục và Thời đại, cô Thủy chia sẻ:
– Điều tôi ấn tượng nhất khi được đi học hỏi tại Trường ĐH Công nghệ Queensland (QUT, Australia) đó là việc kiểm tra đánh giá chú trọng đến sinh viên. Tất cả mọi việc họ làm đều nhằm hỗ trợ và phục vụ sinh viên, trong chương trình đào tạo cũng như trong kiểm tra đánh giá đều đảm bảo có đủ 3 yếu tố: Thứ nhất, chương trình đào tạo, kiểm tra đánh giá phải thu hút sinh viên; Thứ hai, phải hỗ trợ sinh viên trong mọi hoạt động; Thứ ba, phải cho sinh viên cảm giác họ thuộc về nhà trường.
Nhìn lại kiểm tra đánh giá của ta trước nay mới thấy chúng ta hay chú trọng vào bài kiểm tra cuối kỳ được đánh giá bởi trọng số rất cao – 70%, kiểm tra bằng một bài thi trong vòng 90 – 120 phút và có phần phụ thuộc và đánh giá chủ quan của giáo viên. Thế nên nhiều sinh viên sợ sệt, lo lắng, áp lực khi làm bài thi này.
Qua những bài học và kinh nghiệm được chia sẻ từ các chuyên gia QUT, tôi đã thay đổi bài kiểm tra đánh giá, thu hút tất cả các sinh viên tham gia bằng đánh giá quá trình và tăng tỷ trọng đánh giá quá trình, cho sinh viên tham gia nhiều hoạt động khác nhau và đánh giá hoạt động của sinh viên.
Ví dụ như mỗi đơn vị bài học, các sinh viên phải làm bài thuyết trình, có thể đăng ký theo cá nhân hoặc nhóm, để nếu có em nhút nhát thì sẽ tự tin hơn khi phải thuyết trình một mình. Cách làm này sẽ hỗ trợ sinh viên và tất cả sinh viên đều có cơ hội tham gia như nhau.
Sau mỗi bài thuyết trình, sinh viên sẽ xây dựng một đoạn video về quá trình học. Bài tập này giáo viên nói yêu cầu nội dung ngay từ đầu khóa học, sinh viên có thời gian chuẩn bị. Và để có sản phẩm video gửi cho giáo viên, các sinh viên phải quay đi quay lại, trao đổi, tham khảo ý kiến giáo viên rất nhiều lần, mỗi lần như vậy là một lần luyện tập bài học. Theo đó, phần tự học và thực hành của sinh viên được tăng lên, hoàn thiện kỹ năng cho mỗi sinh viên.
Với phần kiểm tra cuối kỳ, thay vì hình thức thi viết, ngay từ đầu kỳ học, các sinh viên được thông báo về hình thức kiểm tra cuối kỳ là trình bày bài thuyết trình chủ đề yêu thích. Các sinh viên có thể sử dụng máy chiếu, tìm tài liệu trên mạng, trên báo đài để thu thập thông tin cho bài thuyết trình. Trong quá trình làm bài thuyết trình cuối kỳ này, mỗi sinh viên lại có cơ hội luyện tập, đầu tư cho sản phẩm hoàn chỉnh để trình bày trước giáo viên và các bạn học trong lớp, nghe được những phản hồi trực tiếp từ tất cả mọi người. Điều này hạn chế việc giáo viên chấm điểm chủ quan, đảm bảo tính minh bạch, khách quan, đặc biệt là tất cả sinh viên đều được tham gia vào việc kiểm tra đánh giá.
Cô Nguyễn Thị Thu Thủy nhận chứng chỉ sau khóa học từ chuyên gia Trường ĐH Công nghệ Queensland (QUT)
* Sau những triển khai trong việc đổi mới trong kiểm tra đánh giá, chị có dự định đổi mới các nội dung khác trong chương trình đào tạo ở khoa Ngoại ngữ Trường ĐH Tây Bắc không?
– Có chứ! Kiểm tra đánh giá luôn song hành với phương pháp kiểm tra đánh giá. Hiện tại tôi đã tổ chức 2 hội thảo về thay đổi phương pháp kiểm tra đánh giá. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo và seminar để các giáo viên bộ môn viết đề cương chi tiết môn học dựa trên một định hướng chung, trong đó chú trọng vào phần kiểm tra đánh giá, thể hiện rõ phương pháp kiểm tra đánh giá như thế nào, rõ ràng trong tiêu chí đánh giá, càng chi tiết càng tốt, để làm sao lấy sinh viên làm trung tâm, tăng khả năng sáng tạo, ứng dụng của sinh viên.
* Tham gia khóa học từ tháng 11/2017 đến nay, cô đánh giá thế nào về sự kết nối giữa các chuyên gia Úc và các học viên trong và sau khóa học?
– Tôi có lợi thế biết tiếng Anh, khi học bên Úc tôi trực tiếp trao đổi với các giảng viên Úc và cả các chuyên gia của Aus4Skills, chúng tôi được các chuyên gia giúp đỡ, chia sẻ rất nhiệt tình. Và không chỉ là sự kết nối từ học viên, Trường QUT đã đồng ý ký bản thỏa thuận hợp tác với Trường ĐH Tây Bắc chúng tôi, dự kiến sẽ ký kết trong tháng 6 này.
Tôi cho rằng đây là sự kết nối bền vững, để những dự án đổi mới của nhà trường luôn có sự đồng hành, hỗ trợ, tư vấn của các chuyên gia quốc tế.
* Xin cảm ơn cô về cuộc trao đổi!
=========================================================================
“Tôi không gặp khó khăn gì khi triển khai những đổi mới của mình. Bên khoa tôi các thầy cô trẻ rất “update” những cái mới, họ nhiệt tình với những thay đổi giúp ích cho sinh viên! Đặc biệt, các thầy cô bên khoa đào tạo của trường cũng tham gia các khóa học trong khuôn khổ của Aus4Skills, học hỏi kinh nghiệm các chuyên gia Úc nên rất ủng hộ và tạo điều kiện cho các đổi mới chương trình đào tạo. Khi lãnh đạo đã có tư duy đổi mới thì mọi việc sẽ rất thuận lợi” – Cô Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Trưởng khoa Ngoại ngữ, Trường ĐH Tây Bắc.
=========================================================================
Nguồn: Báo GD&TĐ