Mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa Australia và Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục được thể hiện xuyên suốt hành trình Học bổng Chính phủ Australia của mỗi sinh viên Việt Nam, bao gồm cả việc hòa nhập với môi trường học thuật và chuyên môn tại quê nhà. Tuần này, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Lễ Chào mừng và hai ngày Hội thảo Hòa nhập tại Hà Nội dành cho các sinh viên hoàn thành Học bổng Chính phủ Australia mới trở về Việt Nam.
Sự kiện được tổ chức hàng năm nhằm hỗ trợ các cựu sinh Học bổng Chính phủ Australia mới tốt nghiệp hòa nhập, xây dựng mạng lưới tại Việt Nam và củng cố các kỹ năng cũng như kiến thức sau khi kết thúc quá trình học tập tại Australia. Nhờ đó, cựu sinh để có thể đóng góp cho sự phát triển của đất nước trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, kinh tế, thương mại và đầu tư, khoa học thực phẩm, quản lý môi trường, công tác xã hội, an ninh mạng, và nhiều lĩnh vực khác nữa.
Ông Mark Tattersall, Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam cho biết, “Năm 2023 đánh dấu 50 năm tình hữu nghị giữa Australia và Việt Nam, do đó thật lý tưởng khi khép lại một năm qua với hoạt động chào mừng cựu sinh về nước. Họ không chỉ là thế hệ nhà lãnh đạo và người tạo ra thay đổi tiếp theo ở Việt Nam, mà còn là tương lai của quan hệ song phương giữa chúng ta.”
Ông Mark Tattersall, Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam trò chuyện cùng các sinh viên Học bổng Chính phủ Australia mới tốt nghiệp trở về nước.
Nhóm cựu sinh này đến từ khắp các vùng miền của Việt Nam, bao gồm cả phụ nữ, người khuyết tật và người dân tộc thiểu số.
Chị Phạm Thị Ngọc Mai, tốt nghiệp chương trình Thạc sĩ ngành Nghiên cứu Phát triển của trường đại học Melbourne, cho biết “Học bổng Chính phủ Úc (AAS) là một cơ hội vô cùng quý giá giúp mình nâng cao kiến thức và kỹ năng chuyên môn cũng như thay đổi bản thân theo hướng ngày càng tích cực hơn. Mình đã tích lũy thêm kiến thức nền về lý thuyết phát triển, các cách tiếp cận phát triển hiệu quả, thiết kế và quản lý dự án, phương pháp nghiên cứu trong phát triển và đặc biệt là phân tích và lồng ghép giới trong các can thiệp phát triển.”
Anh Hoàng Trọng Đại, người dân tộc Thái, Phó Chánh văn phòng Tỉnh đoàn Sơn La đã hoàn thành chương trình Thạc sĩ Lãnh đạo và Quản lý Giáo dục tại Đại học La Trobe. Anh chia sẻ, “Nền giáo dục Australia với công nghệ và sự hỗ trợ tuyệt vời, đặc biệt với sinh viên quốc tế đã giúp anh hòa nhập nhanh trong một môi trường đa sắc tộc, trải nghiệm giao lưu và học hỏi từ bạn bè đến từ nhiều nơi trên thế giới với những nền văn hóa khác nhau.”
Chị Phạm Phương Linh, Thạc sĩ ngành Luật quốc tế tại Đại học Melbourne, cho biết kỉ niệm đáng nhớ nhất của chị là khi học môn Quyền của người khuyết tật.
“Australia nói chung và trường Luật Melbourne nói riêng là một trong những số ít cơ sở giáo dục có môn học dành riêng về quyền của người khuyết tật. Qua môn học này, tôi đã được trải nghiệm một môi trường học tập bình đẳng không hề có bất kỳ rào cản đối với người khuyết tật. Nhà trường đã có những điều chỉnh về cách dạy và đánh giá các môn học như hỗ trợ công nghệ, bố trí nhân viên hỗ trợ học tập, chuẩn bị định dạng có thể truy cập của tài liệu đọc của khóa học, không gian phòng học và thiết bị giảng dạy dễ tiếp cận và tiện dụng đối với người khuyết tật,” chị Linh cho biết.
Các cựu sinh Học bổng Chính phủ Australia mới tốt nghiệp sẽ là thành viên của mạng lưới hơn 80.000 cựu sinh Australia trên khắp Việt Nam. Rất nhiều cựu sinh Australia đang là những nhà lãnh đạo, nhà vận động và người có ảnh hưởng, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội toàn diện của Việt Nam cả với tư cách cá nhân và thông qua mạng lưới chuyên môn của mình. Australia sẽ tiếp tục đem lại nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp và kết nối cho các cựu sinh trong suốt sự nghiệp của họ.
Các cựu sinh có thể tham gia các Nhóm chuyên môn với nhiều sự kiện và hoạt động thường xuyên về Kinh tế và kinh doanh, Nông nghiệp, Pháp luật và tư pháp, Giới, Giáo dục và nghiên cứu cũng như Hòa nhập người khuyết tật.
Họ cũng sẽ có cơ hội tiếp cận Quỹ Hỗ trợ cựu sinh viên Australia, nơi cung cấp những khoản hỗ trợ tài chính cho các dự án chuyên môn và cộng đồng, góp phần tạo ra thay đổi về tổ chức ở Việt Nam và tăng cường mối liên kết giữa hai nước.
Cựu sinh tìm hiểu cơ hội xin tài trợ từ Quỹ Hỗ trợ cựu sinh viên Australia cho các dự án chuyên môn và cộng đồng.