Năm trường cao đẳng thụ hưởng từ Dự án “Thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp logistics trong giáo dục nghề nghiệp (GDNN)” thuộc Chương trình Aus4Skills vừa kết thúc thành công các dự án ứng dụng phương pháp đào tạo và đánh giá theo năng lực thực hiện (CBTA). Các trường gồm Cao đẳng Hàng Hải I, Cao đẳng nghề Đà Nẵng, Cao đẳng Kỹ nghệ II, Cao đẳng Giao thông vận tải Tp. Hồ Chí Minh, và Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi được chuyên gia tới từ Australia tư vấn, hỗ trợ trong suốt quá trình triển khai thí điểm, áp dụng kiến thức vào hoạt động đào tạo thực tiễn của trường từ Khóa học “Chiến lược Đào tạo và đánh giá theo năng lực thực hiện dành cho Giảng viên GDNN và Cán bộ đào tạo trong ngành Logistics”, do Dự án tổ chức cuối năm 2023.
Phương pháp CBTA được dựa trên mô hình của Australia là đào tạo và đánh giá theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp nhằm bảo đảm sinh viên tốt nghiệp đáp ứng yêu cầu của ngành.
Các mô đun được lựa chọn thí điểm đào tạo gồm: Vận hành xe nâng (Cao đẳng nghề Hàng Hải I), Tiếp nhận và lưu trữ hàng hóa (Cao đẳng nghề Đà Nẵng), Tuân thủ qui trình an toàn khi làm việc với hàng hóa (Cao đẳng Kỹ nghệ II), Đóng gửi hàng (Cao đẳng Giao thông vận tải Tp. Hồ Chí Minh), Chọn và xử lý đơn hàng (Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi). Tổng số 84 học viên tham gia các thí điểm trong đó có 35 học viên nam, 49 học viên nữ, 02 học viên là người khuyết tật (trung bình mỗi trường đào tạo từ 15- 18 học viên).
Học viên lớp thí điểm CBTA tại Trường Cao đẳng Hàng Hải 1
Các trường đã phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo và triển khai đào tạo và đánh giá kết quả học tập. Trong quá trình học, học viên được học thực hành tại kho, xưởng mô phỏng của nhà trường đồng thời được trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp. Các trường cũng áp dụng kiến thức về hòa nhập được trang bị từ Chương trình Aus4Skills để bảo đảm bình đẳng giới và hỗ trợ học viên khuyết tật.
Học viên lớp thí điểm tại Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II
Toàn bộ học viên tham gia đều được công nhận đạt năng lực khi tổng kết tháng 3/2024 vừa qua. Các trường và các doanh nghiệp tham gia đều đánh giá cao phương pháp CBTA và khẳng định việc sẵn sàng nhân rộng sang các mô đun/chương trình đào tạo khác của trường.
Học viên lớp thí điểm tại Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Tp. Hồ Chí Minh
“Khoá học vận hành xe nâng theo phương pháp CTBA thật sự rất bổ ích, chúng tôi được học thực hành tại cả trường và doanh nghiệp tới 90% thời lượng khóa học và nhờ đó tôi đã lái xe nâng tự tin và trơn tru”. Cô Đỗ Thị Thu Trang – giảng viên Khoa kinh tế – một học viên của Khóa học thí điểm tại Cao đẳng Hàng Hải I chia sẻ.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Chương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ giới Thủy lợi đánh giá về kết quả Dự án: “Dự án đã tác động tích cực đến phương pháp giảng dạy cho giảng viên. Chúng tôi có thể áp dụng phương pháp CBTA vào các mô đun khác”.
Các doanh nghiệp cũng có những đánh giá tích cực khi tham gia thí điểm. “Chúng tôi thấy phương pháp CBTA rất hiệu quả, giúp chúng tôi tiết kiệm được thời gian và chi phí trong tuyển dụng và đào tạo. Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng nhà trường trong các hoạt động chuyển giao giá trị nhận được từ Chương trình Aus4Skills”. Ông Nguyễn Huy Trường – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu quốc tế Minh Giang (tham gia Dự án ứng dụng tại Cao đẳng Hàng Hải I) chia sẻ.
Học viên lớp thí điểm tại Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng
Chương trình thí điểm cũng đưa ra những bài học hữu ích về việc áp dụng phương pháp CBTA trong các khóa học và trường cao đẳng khác, bao gồm sự ủng hộ của lãnh đạo nhà trường, các giảng viên tham gia cần nắm vững phương pháp CBTA, luôn cần có sự đồng hành của doanh nghiệp, các chuẩn đạo tạo cần bám sát yêu cầu doanh nghiệp, thời gian học cần bố trí linh hoạt, cần xây dựng nhà kho mô phỏng chu đáo, đảm bảo tuân thủ quy định về an toàn, với đầy đủ các thiết bị để học tập.
Các trường tham gia thí điểm cũng chia sẻ rất nhiều bài học kinh nghiệm từ quá trình thí điểm, Các trường cũng khuyến nghị cơ quan quản lý cần hoàn thiện khung pháp lý để tạo điều kiện cho việc áp dụng CBTA bao gồm cập nhật chuẩn đầu ra các ngành, nghề đào tạo.
Học viên lớp thí điểm tại Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi
Chính phủ Australia, thông qua Chương trình Aus4Skills, sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển hệ thống GDNN bao gồm đổi mới phương thức đào tạo và đánh giá góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam.