Trong giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tại Việt Nam, việc thực hiện đổi mới phương thức đào tạo và đánh giá đóng vai trò then chốt trong nâng cao chất lượng giảng dạy và đáp ứng yêu cầu thực tế của thị trường lao động. Australia đang hợp tác với Việt Nam để thúc đẩy áp dụng mô hình Đào tạo và đánh giá theo năng lực (CBTA) từ Australia tại các cơ sở GDNN, nhằm đảm bảo sinh viên tốt nghiệp có đủ kỹ năng và tự tin gia nhập thị trường lao động ngay khi tốt nghiệp.
Ngày 19/07/2024, tại Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải (GTVT) TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo thuộc 16 trường nghề tham gia Dự án Thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp logistics vào GDNN tại Việt Nam đã cùng chương trình Aus4Skills tổ chức phiên đối thoại về chủ đề CBTA. Phiên Đối thoại có sự hiện diện của đại diện lãnh đạo của tất cả 16 trường đối tác, đại diện Chương trình Aus4Skills, Tổng cục GDNN và 23 học viên Khóa học ngắn hạn học bổng Australia – Kỹ năng lãnh đạo sáng tạo, tổ chức trong khuôn khổ Dự án.
Ý nghĩa mô hình CBTA của Australia và áp dụng tại Việt Nam
Phát biểu khai mạc chương trình, bà Jennie Dehn – Giám đốc chương trình Aus4Skills nhấn mạnh: “Chúng ta không đợi đến khi kết thúc Dự án mới chia sẻ các kết quả và bài học kinh nghiệm. Vì vậy, Chương trình Aus4Skills triển khai sáng kiến đối thoại giữa các lãnh đạo nhà trường để tăng cường học tập và hỗ trợ lẫn nhau, hướng tới nhân rộng kết quả của Dự án”.
Tại sự kiện, bà cũng đã có bài trình bày về gói đào tạo và cách tiếp cận CBTA, đặc trưng của GDNN Australia. Cách tiếp cận này không chỉ giúp bảo đảm chất lượng đào tạo mà còn bảo đảm tính mở, linh hoạt của hệ thống GDNN và hiệu quả sử dụng nguồn lực. Về áp dụng CBTA trong GDNN tại Việt Nam, Tiến sỹ Hà Đức Ngọc – đại diện từ Vụ Đào tạo chính quy Tổng cục GDNN chia sẻ: “Hai Thông tư chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo GDNN mới ban hành đã cập nhật một số quy định trên cơ sở tham khảo tiếp cận CBTA theo mô hình của Úc, do vậy các trường cần nghiên cứu triển khai áp dụng CBTA ở cấp độ chương trình đào tạo, không chỉ dừng lại ở một số mô đun môn học”.
CBTA là phương pháp đặt khả năng lĩnh hội năng lực nghề của người học làm trung tâm
Thách thức và cơ hội trong ứng dụng CBTA
Trên cơ sở hai bài phát biểu, phiên thảo luận giữa các lãnh đạo nhà trường diễn ra dưới sự dẫn dắn của Tiến sỹ Lưu Việt Hùng – Hiệu trưởng Cao đẳng Hàng Hải 1 và sự hỗ trợ của thầy Phan Huy Đức – Phó Hiệu trưởng Cao đẳng GTVT TP. Hồ Chí Minh.
Các đại biểu đã có những trao đổi giá trị tại Phiên đối thoại
Thảo luận cho thấy các trường tham gia Dự án đều đang áp dụng CBTA theo những cách khác nhau để cải tiến chương trình đào tạo, bao gồm xây dựng Đề án, đưa ra những nghị quyết chuyên đề về đổi mới Gói đào tạo, cũng như thí điểm triển khai tại các khoa chủ chốt. Tại trường Cao đẳng nghề Viễn Đông, Phó Hiệu trưởng Phan Thị Lệ Thu cho biết trường rất linh hoạt trong xây dựng chương trình và các mô đun theo cách tiếp cận CBTA, bảo đảm nội dung chương trình đáp ứng yêu cầu của từng vị trí việc làm cụ thể tại nơi làm việc. Cô Thu cũng chia sẻ trường Cao đẳng nghề Viễn Đông không chỉ cho sinh viên tới doanh nghiệp thực tập mà còn mời doanh nghiệp tới trường chia sẻ cho sinh viên, và khi đi cử sinh viên thực tập tại doanh nghiệp trường cử cả nhà giáo tham gia.
Tuy nhiên, việc áp dụng CBTA vẫn gặp nhiều thách thức. Quá trình chỉnh sửa và xây dựng toàn bộ chương trình đào tạo theo CBTA yêu cầu nguồn kinh phí lớn, trong khi hiện chỉ có một số nhà giáo dạy lĩnh vực logistics được đào tạo về phương pháp này. Ngoài ra, khả năng của một số giảng viên trong việc tích hợp lý thuyết và thực hành còn hạn chế. Thầy Hồ Viết Hà, Hiệu trưởng Cao đẳng nghề Đà Nẵng, cũng chỉ ra khó khăn về chuẩn đầu ra của một số chương trình, khi quy định số giờ học tối thiểu vẫn còn quá cao, trong khi CBTA tập trung vào tiêu chuẩn năng lực chứ không phải thời gian học.
Giảng viên GDNN ngành Logistics tham gia đào tạo kỹ năng về ‘Đào tạo và kiểm tra đánh giá dựa trên năng lực’ – là phương pháp tiếp cận cốt lõi cho việc xây dựng và giảng dạy giáo trình GDNN
Chia Sẻ Kinh Nghiệm: Các Yếu Tố Quyết Định Thành Công
Từ các chia sẻ của các trường và từ kinh nghiệm thực tế của Trường Cao đẳng Hàng Hải 1 sau khi triển khai thí điểm CBTA ở ba mô đun, Tiến sỹ Lưu Việt Hùng đã chỉ ra những yếu tố quan trọng giúp CBTA được triển khai thành công: sự quan tâm mạnh mẽ từ lãnh đạo trường, việc chọn lựa cán bộ tham gia các khóa học đào tạo và sự tham gia của doanh nghiệp từ khâu xây dựng chương trình đến quá trình đào tạo.
Từ đây, các đại biểu tán thành việc Dự án sẽ hỗ trợ xây dựng một chương trình đào tạo theo CBTA và tập huấn hướng dẫn thống nhất cho các trường, cũng như thành lập nhóm các phát triển chuyên môn về CBTA trong Dự án để tăng cường trao đổi chia sẻ giữa các trường về CBTA.
Sinh viên ngành Logistics tham gia kiểm tra đánh giá theo năng lực tại Trường cao đẳng Hàng hải 1
Kết thúc phiên đối thoại, Bà Hà Thị Thu Hương, Quản lý Dự án GDNN tại Aus4Skills, đánh giá cao và cảm ơn sự tham gia của các đại biểu ở phiên đối thoại, đặc biệt sự dẫn dắt thảo luận của Tiến sỹ Lưu Việt Hùng và Thầy Phan Huy Đức. Bà Hương khẳng định, sự cam kết của trường trong Dự án đã thể hiện thành công của Dự án và nhấn mạnh phiên thảo luận không chỉ hỗ trợ các trường mà còn giúp Chương trình thiết kế các hoạt động hiệu quả trong thời gian tới nhằm đáp ứng kỳ vọng của các bên liên quan.
Theo kế hoạch dự án đến năm 2025, Dự án tiếp tục triển khai các hoạt động về thúc đẩy ứng dụng CBTA trong thời gian tới, góp phần đổi mới phương thức đào tạo và đánh giá trong GDNN tai Việt Nam đã được xác định trong Chiến lược phát triển GDNN đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2025.