“Hành trình hỗ trợ nữ sinh người dân tộc thiểu số” do nhóm giảng viên Trường Đại học Tây Bắc đã giúp các nữ sinh tự hào với truyền thống dân tộc mình để khẳng định năng lực cá nhân, đóng góp nhiều hơn trong các hoạt động hướng về cộng đồng.
Đồng hành cùng sinh viên
Giảng viên Vũ Thị Đức với vai trò Trưởng nhóm, cùng các thành viên Lê Vân Anh, Lèo Thị Thơ, Nguyễn Văn Bao cũng đều là các giảng viên của Trường Đại học Tây Bắc đã nhiệt tình tham gia hành trình. Các thầy cô cùng quan niệm: Đồng hành cùng sinh viên dân tộc thiểu số không chỉ giúp các bạn hiểu về quyền về bình đẳng giới mà còn tư vấn trợ giúp để các bạn nhận ra thế mạnh của mình để phát triển đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng.
Giảng viên Vũ Thị Đức trong một giờ giảng về bình đẳng giới cho các sinh viên
Hành trình đã ứng dụng kiến thức những kiến thức được giảng viên Vũ Thị Đức học được qua tham gia các hoạt động học tập và trải nghiệm thực tế của chương phát triển nguồn nhân lực của Chương trình Úc cùng Việt Nam Phát triển Nguồn nhân lực (Aus4skills). Triển khai hành trình này, mục đích của nhóm là giúp nâng cao kiến thức và kỹ năng cho nữ sinh người dân tộc thiểu số tại Trường Đại học Tây Bắc, giúp các em tự tin đổi mới bản thân để xuất sắc vượt trội.
Giảng viên Vũ Thị Đức cho biết: Trước hết, chúng tôi kêu gọi các tình nguyện viên là giảng viên, cán bộ trong Trường Đại học Tây Bắc cùng tham gia hành trình. Các thầy cô sẽ dùng kiến thức, kỹ năng về giới, bình đẳng giới và các nhóm kỹ năng phát triển bản thân, kỹ năng tham vấn cơ bản, kỹ năng lãnh đạo đội nhóm, kỹ năng giao tiếp, thuyết trình để hỗ trợ nữ sinh trong hành trình và hỗ trợ sinh viên trong một thời gian dài và bền vững kể cả khi kết thúc dự án.
Thiết thực và ý nghĩa
Nhằm lan tỏa những kiến thức, kỹ năng đã được học từ chương trình Aus4 Skills giúp các nữ sinh người dân tộc thiểu số tự tin, phát triển năng lực của bản thân, hành trình đã lựa chọn 100 nữ sinh người dân tộc thiểu số tham gia với vai trò nòng cốt (là cán bộ lớp, cán bộ Đoàn, lãnh đạo các đội nhóm, nữ sinh tiêu biểu trong các hoạt động…) tại các lớp học. Các bạn được tập huấn, giáo dục nâng cao năng lực hiểu biết về giới và quyền bình đẳng.
Các nữ sinh dân tộc sẽ góp phần lan tỏa bình đẳng giới
Những sinh viên này sẽ là các hạt giống ban đầu để tổ chức các hoạt động hỗ trợ nữ sinh trong toàn trường. Để tăng cường năng lực hoạt động cho hành trình, một “Văn phòng Nữ sinh” với sức chứa khoảng 100 người để tạo không gian đọc sách, chia sẻ thông tin, tổ chức các sự kiện cho nữ sinh cũng được hình thành. Không gian này, là nơi giao lưu, chia sẻ các kinh nghiệm từ các giảng viên trong trường, trao đổi tâm tư tình cảm về giới trong cộng đồng SV.
Giảng viên Lèo Thị Thơ, chia sẻ: Là người dân tộc Thái, tôi hiểu nhiều bạn gái, đặc biệt là những sinh viên nữ người dân tộc có, những hạn chế trong nhận thức vế giới. Bản thân tôi sau khi tham dự các chương trình tập huấn của Aus4skills mới hiểu rằng phụ nữ hoàn toàn có quyền bình đẳng như nam giới. Quyền được học tập, nâng cao năng lực và phát triển cá nhân. Tôi sẽ giúp các em sinh viên của mình hiểu điều đó, cũng như phát huy thế mạnh để đóng góp nhiều hơn cho xã hội.
Bạn Pờ Pó Mu, người dân tộc Hà Nhì ở Mường Nhé, Điện Biên, là sinh viên K59 ngành Chăn nuôi, tâm sự: Nhà em có 4 anh em. Mu là thứ 2, trên có anh trai, dưới là 2 em nhỏ, bố mẹ làm ruộng, kinh tế khó khăn. Pờ Pó Mu cho biết bạn em có người đi học, người ở nhà lấy chồng. Thật vui khi được tham gia hành trình. Giờ đây những hiểu biết về giới của em sẽ chia sẻ cho gia đình và bà con dân tộc mình về quyền bình đẳng trong cộng đồng, cũng như cần hiểu biết hơn để nâng cao nhận thức giảm nghèo và sống hạnh phúc hơn.
===================================================================================
Chúng tôi sẽ tổ chức đế các nữ sinh người dân tộc thiểu số được tham dự 5 khóa học về nhóm kỹ năng phát triển bản thân, nhóm kỹ năng giao tiếp; nhóm kiến thức, kỹ năng về giới, phòng chống bạo lực giới, phòng chống lạm dụng và xâm hại tình dục; kỹ năng quản lý, lãnh đạo.
Lan tỏa ý nghĩa của hành trình, chúng tôi cũng sẽ tổ chức cuộc thi “Tự hào Nữ sinh người dân tộc thiểu số” và Diễn đàn/đối thoại chủ đề “Nâng cao vị thế, hình ảnh của Nữ sinh dân tộc thiểu số” để các bạn tự tin phát triển năng lực cá nhân, nỗ lực nhiều hơn cống hiến cho cộng đồng. – Trưởng nhóm Vũ Thị Đức.
===================================================================================
Source: GD&TD