Sáng 17/6, Bộ GD&ĐT phối hợp với Chương trình Australia cùng Việt Nam Phát triển Nguồn nhân lực (Aus4Skills) tổ chức Toạ đàm chuẩn bị xây dựng chuẩn chương trình đào tạo đối với các trình độ của GDĐH.
Ảnh minh họa/internet
Việt Nam đã và đang thực hiện công cuộc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo định hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế (Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương).
Cùng với đó, trong những thập kỷ gần đây nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng Khung trình độ quốc gia với mục tiêu nhằm đảm bảo trình độ đào tạo đáp ứng nhu cầu kinh tế xã hội, có chất lượng tốt, cung cấp sự linh hoạt và tiến bộ cho người học và có được sự công nhận quốc tế.
Trong tiến trình hội nhập, Việt Nam cần đào tạo nguồn nhân lực có khả năng cạnh tranh bình đẳng với các nước trong khu vực và trên thế giới để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững.
Ngày 18/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1982/QĐ-TTg về việc phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam (Vietnamese Qualifications Framework – VQF) với mục tiêu nhằm: Phân loại, chuẩn hóa năng lực, khối lượng học tập tối thiểu và văn bằng, chứng chỉ phù hợp với các trình độ thuộc giáo dục nghề nghiệp và GDĐH của Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực;
Đồng thời thiết lập cơ chế kết nối hiệu quả giữa yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực của bên sử dụng lao động với hệ thống các trình độ đào tạo thông qua các hoạt động đào tạo, đo lường, kiểm tra, đánh giá và kiểm định chất lượng;
Mặt khác, làm căn cứ để xây dựng quy hoạch cơ sở giáo dục, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo cho các ngành, nghề ở các bậc trình độ và xây dựng chính sách bảo đảm chất lượng, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực;
Cùng với đó, thiết lập mối quan hệ với khung trình độ quốc gia của các nước khác thông qua các khung tham chiếu trình độ khu vực và quốc tế làm cơ sở thực hiện công nhận lẫn nhau về trình độ, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực; Tạo cơ chế liên thông giữa các trình độ đào tạo, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.
Các đại biểu tham dự tọa đàm
Để triển thực hiện VQF, ngày 30/3/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 436/QĐ-TTg giao Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, các hiệp hội nghề nghiệp, các cơ sở GDĐH… và các bên liên quan triển khai xây dựng, ban hành chuẩn chương trình đào tạo đối với các ngành, nhóm ngành theo từng lĩnh vực đào tạo của GDĐH.
Trên cơ sở đó, hướng dẫn các cơ sở GDĐH rà soát, điều chỉnh, cập nhật chương trình đào tạo để phù hợp với quy định về chuẩn chương trình đào tạo theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH.
Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, cần sự phối hợp, chung sức của tất cả các cơ sở GDĐH, các hội hiệp nghề nghiệp và các bên liên quan.
Do đó, Bộ GD&ĐT tổ chức Toạ đàm này để chia sẻ kinh nghiệm của các nước có kinh nghiệm xây dựng chuẩn chương trình đào tạo, đồng thời xin ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện của các cơ sở GDĐH, đại diện các bộ, ngành và các bên liên quan khác về những nội dung cần chuẩn bị để xây dựng chuẩn chương trình đào tạo đối với các ngành, nhóm ngành theo từng lĩnh vực ở các trình độ của GDĐH.
Việc xây dựng chuẩn chương trình đào tạo này sẽ gắn với việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở GDĐH như: Giúp các trường điều chỉnh cách xây dựng và triển khai chương trình đào tạo theo tiếp cận phát triển, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, các bên sử dụng lao động bảo đảm chất lượng đào tạo;
Đồng thời gắn kết chặt chẽ việc phát triển và đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo, tạo thuận lợi cho tự đánh giá và cải tiến chương trình tại các cơ sở GDĐH;
Mặt khác, thúc đẩy thực hiện tham chiếu giữa Khung trình độ quốc gia Việt Nam và Khung tham chiếu trình độ của các quốc gia ASEAN, làm cơ sở thực hiện công nhận lẫn nhau về trình độ, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh trong đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam so với các nước ASEAN.
Các đại biểu phát biểu tham luận tại buổi Tọa đàm
Trên cơ sở kết quả đề xuất của các nhà khoa học và đại diện từ các cơ sở GDĐH và các bên liên quan, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét, ban hành kế hoạch và hệ thống các văn bản, tài liệu hướng dẫn triển khai xây dựng chuẩn chương trình và thực hiện VQF với lộ trình phù hợp, hiệu quả trên cơ sở nghiên cứu kỹ kinh nghiệm triển khai xây dựng chuẩn chương trình đào tạo của các nước và điều kiện phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, cũng như nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ này khả thi, bền vững.
Bộ GD&ĐT mong muốn việc thực hiện chính sách này sẽ giúp các cơ sở GDĐH nhanh chóng bứt phá, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình trong khu vực, giúp cho việc đào tạo nguồn nhân lực của Việt nam có khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế.