Tại Diễn đàn biến đổi khí hậu ở TP Cần Thơ vừa qua, cựu sinh Australia đã thể hiện vai trò dẫn đầu của mình trong cộng tác về biến đổi khí hậu giữa Australia và tiểu vùng Mekong trong đó có Việt Nam. Diễn đàn quy tụ nhiều ý tưởng và cơ hội cộng tác về bảo vệ môi trường và chống chịu biến đổi khí hâu.
Diễn đàn có sự tham gia của gần 200 cựu sinh đến từ Việt Nam và tiểu vùng Mekong, những người đang vận dụng kiến thức, kỹ năng và kết nối có được từ nền giáo dục Australia để hỗ trợ sự ổn định và tăng trưởng của khu vực.
Tham dự diễn đàn có Đại sứ Australia về biến đổi khí hậu, bà Kristin Tilley với bài trình bày về cách tiếp cận của Australia trong ứng phó biến đổi khí hậu, bao gồm các biện pháp để đạt mục tiêu cắt giảm khí thải trong khuôn khố kế hoạch giảm phát thải ròng bằng 0.
Các diễn giả đã chia sẻ hàng loạt ý tưởng về chống chịu biến đổi khí hậu như kiến tạo kết nối trên khắp tiểu vùng, huy động sự tham gia của khu vực tư nhân, thúc đẩy hợp tác Australia-Việt Nam trong giáo dục và nghiên cứu.
Bà Tuyền Võ (Kelly), người sáng lập và CEO của Dear Our Community thảo luận về kiến tạo kết nối trong tiểu vùng Mekong.
PGS. TS. Hồ Ngọc Sơn, Phó Trưởng khoa Lâm nghiệp, Đại học Nông-Lâm Thái Nguyên trình bày các hoạt động của mình trong lĩnh vực biến đổi khí hậu.
Bài trình bày trực tuyến của ông Vannaphone Phetpaseuth, Chuyên gia về nước, GIS và mô hình hóa, Phòng Số liệu và Thông tin, Ban Thư ký Ủy ban Quốc gia về Mekong, CHDCND Lào.
Diễn đàn cũng đã giới thiệu nhiều sáng kiến ứng phó với biến đổi khí hậu do cựu sinh thực hiện trong khu vực như các dự án nông nghiệp sinh thái, các sản phẩm bền vững, các giải pháp sáng tạo trong chăn nuôi tôm, vv… Việc ghi nhận những đóng góp của cựu sinh trong bảo vệ môi trường giúp tăng cường kết nối mạng lưới cựu sinh ở một lĩnh vực trọng yếu đối với phát triển bền vững.
Phát biểu tại diễn đàn, Đại sứ Australia về biến đổi khí hậu Kristin Tilley cho biết, “Rất nhiều cựu sinh Australia đang ở những giai đoạn then chốt trong sự nghiệp của họ ở các khu vực nghiên cứu, học thuật, chính phủ, kinh tế, tài chính, và đều đang đóng góp cho quá trình chuyển giao năng lượng và các mục tiêu khí hậu của Việt Nam. Những nỗ lực của cựu sinh sẽ làm sâu sắc hơn hợp tác giữa hai nước chúng ta về ứng phó và chống chịu biến đổi khí hậu, nông nghiệp có sức chống chịu trước khí hậu, an ninh lương thực và nguồn nước, đặc biệt là ở Đồng bằng sông Cửu Long và thông qua Hợp tác Mekong – Australia.”
“Chúng ta sẽ cùng tìm những phương pháp mới để thúc đẩy đầu tư từ lĩnh vực tư nhân vào các nỗ lực giảm nhẹ và ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, và tăng cường quản trị. Chúng ta có thể khám phá những cơ hội hợp tác trong hành động vì khí hậu, thị trường cacbon, và nền kinh tế xanh,” bà Tilley nói thêm.
Đại sứ Australia về Biến đổi khí hậu Kristin Tilley thăm các gian trưng bày về dự án bền vững do cựu sinh Australia thực hiện.
Đối thoại cùng Đại sứ Australia về biến đổi khí hậu Kristin Tilley về những thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu, cách tiếp cận của Australia, và hợp tác với các nước Đông Nam Á.
Thảo luận bàn tròn về biến đổi khí hậu với đại diện Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, cùng một số doanh nghiệp nổi bật tại Việt Nam.
Diễn đàn biến đổi khí hậu của cựu sinh Australia cũng thể hiện cam kết hợp tác của Australia và Việt Nam nhằm xây dựng năng lực cho phát triển kinh tế xã hội, trong đó có các hoạt động phát triển chuyên môn lâu dài cho cựu sinh.
Có hơn 80.000 cựu sinh viên Việt Nam theo học nền giáo dục của Australia từ năm 1973, trong đó có hơn 6.500 sinh viên học bổng chính phủ Australia. Cựu sinh viên với kiến thức, chuyên môn, và tầm ảnh hưởng lớn đã và đang có những đóng góp giá trị cho Việt Nam và tăng cường liên kết với Australia./.