Ngày 15 tháng 9 – Chương trình đào tạo trực tuyến, diễn đàn kết nối thương mại thực phẩm hữu cơ Úc-Việt do các chuyên gia Australia và Việt Nam thực hiện, đã chính thức khởi động. Diễn đàn thu hút hơn 200 học viên Việt Nam gồm nhà sản xuất, các hiệp hội, doanh nghiệp và cán bộ quản lý nhà nước, tham gia đào tạo về kỹ thuật canh tác hữu cơ, chứng nhận hữu cơ, chế biến, tiếp thị và kinh doanh quốc tế thực phẩm hữu cơ.
Diễn đàn này là một phần của dự án “Thúc đẩy Chứng nhận Hữu cơ và Thương mại Thực phẩm Hữu cơ Song phương Australia-Việt Nam ” do Mekong Organics thực hiên và được tài trợ bởi Chính phủ Australia thông qua Chương trình Hỗ trợ tăng cường Kinh tế Quốc gia Australia-Việt Nam (AVEG).
Mekong Organics là một công ty có văn phòng tại Canberra, được sáng lập năm 2018 bởi cựu sinh Australia, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kiền, một nhà nghiên cứu về sinh thái nông nghiệp tại Trường Môi trường & Xã hội Fenner thuộc Đại học Quốc gia Australia, và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Nông thôn thuộc Đại học An Giang. Sau khi nhận được Giải thưởng Rod May do NASAA (Hiệp hội Quốc gia về Nông nghiệp Bền vững Úc) tài trợ cho những đóng góp cho nông nghiệp hữu cơ, anh Kiền đã tham gia Đại hội năm 2017 của Liên đoàn Quốc tế về Phong trào Nông nghiệp Hữu cơ (IFOAM) tại New Delhi, Ấn Độ, tháng 11 năm 2017. TS. Kiền chia sẻ: “Rod May và cơ hội tham gia đại hội đã giúp truyền cảm hứng cho anh thúc đẩy phong trào nông nghiệp hữu cơ cho Việt Nam và các nước Mekong khác, cũng như liên kết những hoạt động này với nền nông nghiệp hữu cơ của Australia.”
Dự án Mekong Organics đang triển khai với sự tài trợ của AVEG được đặt nền móng từ những thành công ban đầu của dự án thí điểm Thúc đẩy mối quan hệ đối tác giữa Việt Nam – Australia trong Phát triển Nông nghiệp Hữu cơ tại tỉnh An Giang do Quỹ Hỗ trợ Cựu sinh Australia (AAGF) tài trợ từ năm 2018-2019. Với sáng kiến này, TS. Nguyễn Văn Kiền cùng các đồng nghiệp tại Đại học An Giang, cũng là các cựu sinh Australia, gồm ThS. Nguyễn Văn Thái và Ths. Lê Ngọc Hiệp, đã tổ chức hội thảo và các khóa tập huấn tại Australia và Việt Nam để đẩy mạnh liên kết chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu, thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ và hướng đến thương mại nông sản hữu cơ giữa hai quốc gia.
Sáng kiến này đã tạo mang lại lợi ích trực tiếp và gián tiếp cho gần 1.000 người dân tại tỉnh An Giang, trong đó có nhiều người dân tộc thiểu số Khmer. Dự án cũng thử nghiệm thành công mô hình sản xuất rau hữu cơ cho cộng đồng người dân tộc Khmer tại huyện Tri Tôn và nhân rộng mô hình vườn rau cộng đồng ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Các mối liên kết giữa các hiệp hội doanh nghiệp, nông dân, hội Nông nghiệp Hữu cơ Australia về chứng nhận hữu cơ để hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam cũng đã được thúc đẩy mạnh mẽ qua sáng kiến thí điểm này.
Từ những kết quả đã đạt được, dự án tiếp tục được AAGF hỗ trợ triển khai giai đoạn 2021-2022 với mục đích cải thiện sinh kế, dinh dưỡng và sức khỏe cho phụ nữ Khmer có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, trong bối cảnh ứng phó và khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19.
Với những những nỗ lực không ngừng nghỉ trong nghiên cứu, học hỏi, chia sẻ, phát triển những sáng kiến và ý tưởng mới, TS. Nguyễn Văn Kiền và các cựu sinh Australia đã và đang tích cực thúc đẩy mối quan hệ hợp tác lâu dài về sản xuất, chứng nhận và thương mại thực phẩm hữu cơ giữa hai quốc gia.
Cựu sinh Australia tham gia dự án ‘Thúc đẩy mối quan hệ đối tác giữa Việt Nam – Australia trong Phát triển Nông nghiệp Hữu cơ tại tỉnh An Giang” do Quỹ Hỗ trợ Cựu sinh Australia (AAGF) tài trợ từ năm 2018-2019: ThS. Nguyễn Văn Thái, TS. Nguyễn Văn Kiền, Ths. Lê Ngọc Hiệp
Cô Nèang Kia, 68 tuổi, xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang – người hưởng lợi từ dự án Phát triển Nông nghiệp Hữu cơ tại tỉnh An Giang do AAGF tài trợ.