Với tốc độ tăng trưởng từ 14 – 16%/năm, logistics hiện là một trong những ngành phát triển nhanh và mạnh nhất tại Việt Nam, được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu.
Các thầy cô nhà trường tham gia học tập tại Australia trong Chương trình Aus4Skills.
Nắm bắt được thực trạng “khát” nhân lực trong lĩnh vực này, ngay sau khi logistics được bổ sung vào danh mục ngành, nghề đào tạo chính quy ở trình độ trung cấp và cao đẳng, Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương V (Đà Nẵng) đã đăng ký mở mã ngành đào tạo Logistics trình độ cao đẳng và bắt đầu tuyển sinh năm 2017.
Nhà trường được lựa chọn tham gia pha 2 (giai đoạn 2021 – 2025) của Chương trình “Australia cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực” (Aus4Skills). Thông qua Chương trình Aus4Skills, các chuyên gia Australia đã chia sẻ các phương pháp và bài học về giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ Việt Nam xây dựng một mô hình đào tạo do doanh nghiệp dẫn dắt, được thiết kế phù hợp với bối cảnh của Việt Nam.
Từ năm 2019 cho đến nay, Trường đã cử hơn 30 lượt cán bộ quản lý, giảng viên của Trường được tham gia các khóa học ngắn hạn do Chương trình Aus4Skills tổ chức trong nước và tại Australia. Nhờ đó, năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo của trường được nâng cao hơn và có nhiều thay đổi tích cực trong phương pháp giảng dạy. Thành công từ kết quả triển khai dự án đào tạo thí điểm mô đun đào tạo “Tiếp nhận và lưu trữ hàng hóa” đã giúp cho nhà trường quảng bá hiệu quả hơn về ngành nghề Logistics, nâng cao lợi thế trong công tác tuyển sinh.
Sinh viên ngành Logistics của nhà trường.
Theo đánh giá của TS. Nguyễn Văn Tươi, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương V, các hoạt động hợp tác giáo dục với Aus4Skills đã giúp các nhà quản lý và giảng viên tìm hiểu các xu hướng tất yếu về toàn cầu hóa và chuyển đổi số. Những kiến thức đó giúp nâng cao kỹ năng lãnh đạo, quản lý, tư duy chuyển đổi và tư duy thiết kế… Từ đó, giúp sinh viên phát triển năng lực toàn diện hơn, trong đó bao gồm kiến thức, kỹ năng, thái độ và khả năng tìm việc làm. Mô hình xây dựng kỹ năng do doanh nghiệp dẫn dắt đã đạt được những thành công trong việc trang bị cho sinh viên nhà trường những năng lực mà thị trường yêu cầu.
Mặc dù logistics là ngành, nghề đào tạo mới nhưng nhà trường đã đạt những kết quả rất ấn tượng về cả tuyển sinh và chất lượng đào tạo. Việc áp dụng phương pháp đào tạo dựa trên năng lực thực hiện và đánh giá (CBTA) của dự án giúp cho số lượng tuyển sinh ngành, nghề logistics và các ngành nghề liên quan thuộc lĩnh vực logistics như Quản lý kho hàng, Quản lý bán hàng siêu thị, Kinh doanh vận tải đường bộ tăng đáng kể qua các năm.
Số lượng tuyển sinh năm 2019 chỉ đạt 29 sinh viên, nhưng đã tăng lên 240 sinh viên vào năm 2022 (gấp hơn 7 lần) và 276 sinh viên năm 2023 (gấp 8,5 lần). Tỷ lệ sinh viên có việc làm và học lên trình độ cao hơn sau 6 tháng tốt nghiệp luôn đạt tỷ lệ hơn 90%. Sinh viên và doanh nghiệp tiếp nhận đều có mức độ hài lòng rất cao về chất lượng đào tạo của nhà trường.
Theo cô Trương Thị Thùy Trâm, Trưởng Khoa Kinh tế – Vận tải của nhà trường, thì các giảng viên của khoa đã chia sẻ những kiến thức và kỹ năng lĩnh hội được đến các đồng nghiệp để cùng áp dụng vào thực tiễn giảng dạy. Hai giảng viên của khoa đã đạt giải Nhì và giải Ba trong Hội giảng Nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp thành phố Đà Nẵng tổ chức vào tháng 9/2024 với bài giảng thuộc mô đun “Nghiệp vụ kho hàng và mô đun Thủ tục hải quan” của nghề Logistics.
Cô Trâm nói rằng, Chương trình Aus4Skills không chỉ hỗ trợ nâng cao năng lực cán bộ, nhà giáo mà còn tư vấn hỗ trợ nhà trường trong quá trình triển khai dự án đào tạo thí điểm theo phương pháp tiếp cận năng lực thực hiện (CBTA) – một hướng tiếp cận dựa vào kết quả đầu ra của người học, kết hợp chặt chẽ giữa các phương thức giảng dạy và hình thức đánh giá được thiết kế nhằm đánh giá việc học của người học thông qua việc thể hiện kiến thức, kỹ năng và hành vi của họ đối với yêu cầu đề ra ở mỗi trình độ.
Thành công từ dự án đào tạo thí điểm đã mang lại cho nhà trường nhiều bài học kinh nghiệm để đổi mới giảng dạy đáp ứng tiêu chuẩn của doanh nghiệp. Từ các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề do Aus4skills chuyển giao và hỗ trợ kỹ thuật, nhà trường đã xây dựng mới và cập nhật nhiều chương trình đào tạo, tài liệu giảng dạy các ngành nghề ở các trình độ đào tạo (Trung cấp, Liên thông Cao đẳng từ Trung cấp, Cao đẳng) và nhiều mô đun môn học liên quan của các nghề thuộc lĩnh vực logistics như mô đun “Nghiệp vụ kho hàng”, “Quản trị chuỗi cung ứng”, “Nghiệp vụ giao nhận vận tải”, “Thủ tục hải quan”, “Pháp luật về kinh doanh logistics và vận tải đa phương thức”, đồng thời chú trọng xây dựng các công cụ đánh giá đối với sinh viên.
Dr. Nguyen Van Tuoi with teachers and students of the College at the Post-course seminar of the Project on the pilot module “Receiving and storing goods”, using the CBTA method.
Các chương trình đào tạo ngành logistics tại nhà trường được xây dựng sinh động, thực tiễn đã giúp sinh viên hiểu tổng quan về logistics và vai trò của nó đối với các ngành công nghiệp liên quan, đồng thời, giúp sinh viên có cái nhìn tổng quát, rõ ràng về việc lựa chọn nghề nghiệp, tạo động lực cho các em theo đuổi nghề nghiệp mà mình đã chọn.
Tham gia Chương trình Aus4Skills, hoạt động hợp tác doanh nghiệp của trường đã đi vào chiều sâu và trọng điểm cũng là yếu tố góp phần tạo nên hiệu quả của các hoạt động đào tạo. Tính đến nay, nhà trường đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác với hơn 300 doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực ngành nghề đào tạo của Trường, trong đó các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực logistics.
Bà Nguyễn Thị Thu Sương – Trưởng ban đào tạo, Công ty TNHH Universal Alloy Coporation Việt Nam (UACV) – Đại diện doanh nghiệp đã tham gia cùng nhà trường trong dự án đào tạo thí điểm mô đun “Tiếp nhận và lưu trữ hàng hóa” theo phương pháp CBTA chia sẻ: “Chúng tôi đánh giá rất cao mô hình đào tạo theo năng lực thực hiện mà trường đang triển khai và cách nhà trường lắng nghe và hợp tác với chúng tôi. Chúng tôi được hưởng lợi từ mô hình này vì chúng tôi được tiếp nhận nhân lực qua đào tạo có đầy đủ kỹ năng, sẵn sàng làm việc mà không cần phải đào tạo lại”.