Đầu tư cho giáo dục và đào tạo nghề (VET) là phần cốt yếu trong phát triển nguồn nhân lực dày dặn kỹ năng và có sức cạnh tranh cho ngành logistics Việt Nam. Giảng viên giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đóng vai trò quan trọng trong quá trình này. Năm nay, Khóa đào tạo ngắn hạn về Xây dựng chiến lược và đánh giá đào tạo dựa trên năng lực thực hiện (CBTA) đã mang đến cho 21 giảng viên GDNN đến từ khắp cả nước những kỹ năng và kiến thức thực tế cho công tác giảng dạy.
Đây là lần thứ tư Aus4Skills tổ chức khóa học này, mang đến hiểu biết sâu hơn nữa về những thực hành hiệu quả nhất trong GDNN và ngành logistics cùng với cơ hội học hỏi từ các chuyên gia Australia hàng đầu trong lĩnh vực này.
Các khóa học CBTA bao gồm nhiều hoạt động nâng cao năng lực và chuyến đi thực tế.
Trong buổi tổng kết khóa học tại thành phố Hải Phòng ngày 12/5 vừa qua, các học viên đã nhìn lại những kết quả cá nhân và tập thể và trình bày các dự án đã ứng dụng kiến thức học hỏi được xuyên suốt khóa học.
Cô Lê Thị Thanh Nhàn, giảng viên trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, trình bày tóm tắt hoạt động của nhóm mình tại buổi tổng kết.
Trong các dự án ứng dụng, các giảng viên đã tiến hành tập huấn thí điểm cho sinh viên của mình với 3 mô-đun: Bốc dỡ hàng, Nhận và lưu trữ hàng hóa, Chọn và xử lý đơn hàng. Cũng trong chương trình tập huấn thí điểm, nhiều đại diện doanh nghiệp đã được mời đến đánh giá bài thi thực hành của sinh viên cũng như những kỹ năng cần thiết để hoàn thành các mô-đun.
Tập huấn thí điểm cho sinh viên trường Cao đẳng Hàng hải I (Hải Phòng)
Với khóa học CBTA thứ tư này, Aus4Skills đã tập huấn cho hơn 90 giảng viên GDNN trong ngành logistics, mang đến lợi ích cho hơn 5000 sinh viên qua các chương trình tập huấn chỉnh sửa dựa trên phương pháp tiếp cận CBTA.
Tập huấn thí điểm cho sinh viên trường Cao đẳng Kỹ nghệ II
Ông Vũ Ninh, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kỹ năng nghề ngành Logistics (LIRC), nhấn mạnh những trao đổi kiến thức trong các khóa học CBTA đã được lồng ghép vào tài liệu giảng dạy và học tập, một sản phẩm của sự hợp tác và kinh nghiệm thực tiễn. Ông đánh giá cao hỗ trợ của Australia và bày tỏ hi vọng mô hình CBTA sẽ được nhân rộng cho các lĩnh vực GDNN khác.
Hỗ trợ của Australia dành cho Việt Nam được dựa trên ngành GDNN hàng đầu thế giới, với ưu thế về đảm bảo chất lượng cũng như sự hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp.
Thông qua Aus4Skills, hai nước đang hợp tác nhằm tăng cường GDNN tại Việt Nam đặc biệt là trong ngành logistics, chìa khóa của sự phát triển kinh tế – xã hội tại Việt Nam.
Sự hợp tác này bao gồm xây dựng liên kết giữa doanh nghiệp và các cơ sở GDNN để đảm bảo sinh viên tốt nghiệp đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng và hỗ trợ sự phát triển của Việt Nam.
Các chuyên gia Australia và Việt Nam thảo luận về các phương pháp giảng dạy và tập huấn hiệu quả áp dụng CBTA tại buổi tổng kết khóa học.
Bên cạnh kỹ năng logistics, các khóa học CBTA còn trang bị cho giảng viên GDNN những hướng dẫn về bình đẳng giới và hòa nhập xã hội liên quan đến ngành của mình. Các thầy cô cũng đã chia sẻ những hướng dẫn này với sinh viên khi thực hiện những dự án ứng dụng.
Với đầy đủ các biện pháp an toàn, học viên khuyết tật vận động có thể tham gia thực hành lái xe nâng.