Với xu thế phát triển của ngành logistics và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các dịch vụ logistics mới gia tăng, đòi hỏi cao hơn yêu cầu về nhân lực chất lượng và sáng tạo.
Ngày 15/10, Chi nhánh Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh (VCCI-HCM) phối hợp cùng Hội đồng Tư vấn kỹ năng nghề – ngành logistics tổ chức diễn đàn trực tuyến, trực tiếp “Dự báo kỹ năng cho lao động ngành logistics Việt Nam”.
Với xu thế phát triển của ngành logistics và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các dịch vụ logistics mới gia tăng, đòi hỏi cao hơn yêu cầu về nhân lực chất lượng và sáng tạo. Ảnh minh họa: TTXVN
Đây là hoạt động trong khuôn khổ hợp tác song phương giữa hai chính phủ Việt Nam và Australia, thông qua chương trình Australia cùng Việt Nam phát triển (Aus4Skills), hợp phần thúc đẩy chất lượng giáo dục nghề nghiệp với việc thử nghiệm mô hình đào tạo dưới sự dẫn dắt của doanh nghiệp được triển khai với ngành logistics tại Việt Nam từ năm 2017.
Diễn đàn là cơ hội để ba nhà “Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp” trao đổi, chia sẻ từ những góc nhìn khác nhau về dự báo kỹ năng ngành logistics trong thời gian tới. Đây còn là dịp để Hội đồng Tư vấn kỹ năng nghề – ngành logistics công bố chính thức “Báo cáo dự báo kỹ năng ngành logistics giai đoạn 2021 – 2023”, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực logistics Việt Nam.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Võ Tân Thành, Giám đốc VCCI-HCM nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực là một phần trong năm nhiệm vụ trọng tâm cho phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam trong thời gian tới.
Do đó, việc cải thiện chất lượng dịch vụ logistics và phát triển cơ sở hạ tầng được coi là nhân tố quan trọng thúc đẩy khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, nhất là trong thời điểm đại dịch COVID-19, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã mang đến những thách thức mới và làm ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, thay đổi môi trường kinh doanh trên toàn cầu.
Ông Võ Tân Thành cũng nhìn nhận, việc dự báo nhu cầu lao động còn là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, cần gắn với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, chiến lược phát triển của từng ngành kinh tế; “Báo cáo dự báo kỹ năng ngành logistics giai đoạn 2021 – 2023” cung cấp nhiều thông tin chi tiết về các kiến thức, kỹ năng, thái độ cho các vị trí công việc gắn với xu hướng phát triển của ngành nghề logistics.
Ông Thành cho đây là nguồn thông tin tham khảo quan trọng và hữu ích cho cơ quan quản lý nhà nước, các trường và các doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến logistics; đồng thời, tin tưởng báo cáo đầu tiên này sẽ đóng góp hiệu quả cho doanh nghiệp trong phát triển nguồn nhân lực, là tiền đề cho sự ra đời của nhiều báo cáo dự báo kỹ năng nghề cho các ngành, các lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế trong thời gian tới.
Cùng quan điểm, ông Mark Tattersall, Phó Đại sứ, Đại sứ Quán Australia tại Việt Nam đánh giá cao vai trò của Hội đồng Tư vấn Kỹ năng nghề – ngành logistics thông qua chương trình Aus4Skills, được hỗ trợ bởi Chính phủ Australia; tin tưởng báo cáo dự báo kỹ năng đầu tiên này đánh dấu bước ngoặt lớn cho ngành logistics tại Việt Nam ở những năm tiếp theo.
Từ bối cảnh đại dịch COVID-19 tại Australia, ông Mark Tattersall cũng dự báo là bức tranh tổng quan về xu hướng ngành, nhu cầu lao động, nhu cầu kỹ năng và thách thức đối với lực lượng lao động trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam.
Trong đó, nhấn mạnh việc giãn cách xã hội và dịch COVID-19 kéo dài có thể là sự bắt đầu của tình trạng lực lượng lao động hiện tại rời bỏ thị trường lao động, dẫn đến thiếu hụt kỹ năng và sẽ cần thời gian để tuyển dụng, đào tạo, giữ chân lực lượng lao động mới.
Theo ông Mark Tattersall, những thách thức này, kết hợp với các xu hướng xã hội, kinh tế và cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 cho thấy tầm quan trọng của việc dự báo và lập kế hoạch cho nhu cầu công việc trong tương lai và các năng lực thiết yếu.
Tham dự diễn đàn, Tiến sỹ Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng nhấn mạnh chiến lược quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam đã được Chính phủ, các cấp bộ ngành và lãnh đạo các địa phương luôn quan tâm.
Trong đó, chương trình “Thí điểm đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hướng đến mục tiêu đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực ở các trình độ giáo dục nghề nghiệp, để có kiến thức, kỹ năng phù hợp, có thể tiếp thu, làm chủ, khai thác, vận hành hiệu quả những tiến bộ công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; gắn kết, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về nhân lực; góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tiến sỹ Trương Anh Dũng cũng đề xuất các đại biểu, chuyên gia dự diễn đàn chỉ ra những ngành, nghề còn thiếu nhiều nhân lực, những kỹ năng thiết yếu mà doanh nghiệp logistics cần; đồng thời, tin tưởng các ý kiến, kiến nghị, đề xuất sẽ giúp Việt Nam phát triển nguồn nhân lực logistics có kỹ năng nghề cao, tìm ra các giải pháp phát triển nhân lực ngành logistics đáp ứng với nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp…
Tại diễn đàn, các đại biểu, chuyên gia thảo luận, chia sẻ xoay quanh các vấn đề về giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung, của ngành – nghề logictis nói riêng. Các đại biểu cũng trao đổi, chia sẻ những sáng kiến và cách thức tư duy mới, dự báo kỹ năng nghề và phát triển nguồn nhân lực cho ngành logistics nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển nguồn nhân lực cho ngành dịch vụ logistics Việt Nam.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Thái Văn Vinh, Trường Đại học RMIT Australia cũng chỉ ra các vị trí nhân sự logistics tại các doanh nghiệp logistics và sản xuất của Việt Nam luôn ở trong tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng, nhất là nhóm ngành kinh doanh logistics, công nghệ thông tin logistics và điều độ khai thác vận tải, kho hàng.
Ông cũng đề xuất doanh nghiệp một số giải pháp căn cơ như: luân chuyển nội bộ và đào tạo bổ sung ở nước ngoài; tuyển dụng lao động mùa vụ ngắn hạn và thuê ngoài một số vị trí…
Với xu thế phát triển của ngành logistics và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Thái Văn Vinh cũng cho rằng, các dịch vụ logistics mới gia tăng, đòi hỏi cao hơn yêu cầu về nhân lực chất lượng và sáng tạo.
Việc nêu ra những xu hướng, cơ hội, thách thức hay đề xuất, kiến nghị cũng tựu trung vào sự chung tay từ Nhà nước, Nhà trường và Nhà doanh nghiệp để hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho lĩnh vực logistics Việt Nam nói riêng và nguồn nhân lực nói chung…./.
Nguồn: BNews