Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Aus4Skills đã có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện với cô giáo Trần Thị Thanh Thủy, hiện là Trưởng khoa Kinh tế – Du lịch, Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Điện Biên, một trong 16 trường nghề đối tác của Dự án “Thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp ngành Logistics với giáo dục nghề nghiệp”, thuộc khuôn khổ Chương trình Aus4Skills. Hành trình của cô Thủy đến với nghề giáo không chỉ là một câu chuyện về đam mê mà còn về sự kiên trì, cống hiến trong những điều kiện khó khăn. Hãy cùng chúng tôi lắng nghe những câu chuyện, chia sẻ từ cô.
Chào cô Thủy. Chương trình Aus4Skills cảm ơn cô đã nhận lời tham gia bài phỏng vấn này. Trước tiên, không biết cơ duyên nào đã đưa cô Thủy tới với nghề giáo?
Bản thân tôi không nghĩ mình sẽ trở thành nhà giáo khi học đại học, nhưng duyên nghề đến với tôi. Lúc đó, Trường Trung học Kinh tế – Kỹ thuật Tổng hợp Lai Châu thiếu giáo viên và mời tôi lên dạy. Ban đầu, tôi chỉ nghĩ dạy tạm thời nhưng khi thực sự đi dạy và tiếp xúc với các đối tượng học sinh và học viên khác nhau ở nhiều cấp học, tôi nhận ra đến trường rất vui. Sau một thời gian ngắn, tôi cảm thấy công việc giảng dạy phù hợp với mình và đã gắn bó với nghề cho đến nay.
Trong hành trình làm nhà giáo, đâu là dấu mốc đáng nhớ nhất đối với cô?
Để trở thành nhà giáo như hôm nay, có lẽ quá trình học thạc sĩ là hành trình vất vả nhất đối với tôi, nhưng cũng là kỷ niệm đáng nhớ và tự hào nhất trong sự nghiệp. Tôi phải xa nhà để đi học, địa điểm lớp đặt tại tỉnh Sơn La. May mắn thay, chính những em học sinh thân yêu lại là nguồn trợ giúp to lớn. Một học sinh cũ đã tốt nghiệp giúp tôi chăm sóc các con khi tôi đi học. Cảm xúc khi được chính học trò giúp đỡ là điều không thể nào quên và cũng là lý do tôi càng thêm yêu nghề. Ngoài ra, tôi còn nhận được sự giúp đỡ và đồng cảm từ đồng nghiệp có chung hoàn cảnh xa nhà, xa gia đình, hàng ngày cùng nhau vượt những chặng đường đèo gian nan để đến trường.
Cô nghĩ gì về vai trò của giáo dục nghề trong việc nâng cao đời sống và phát triển kinh tế – xã hội ở các vùng núi, khu vực dân tộc thiểu số?
Với tôi, nghề giáo ở trường nghề còn bao gồm nhiệm vụ trao cho các em một bộ công cụ để kiến tạo nên tương lai. Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Điện Biên có tới 98% là học sinh dân tộc thiểu số, hộ nghèo, ở nội trú và gặp hoàn cảnh khó khăn. Các em chịu giới hạn của phong tục và điều kiện kinh tế gia đình, dẫn đến tình trạng bỏ học nhiều. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng và kết nối giao thông ở những vùng này còn hạn chế, gây nhiều khó khăn cho các em khi di chuyển đến trường. Do vậy, nhà trường cần tăng cường công tác tuyên truyền để giúp phụ huynh và các em học sinh hiểu hơn về tầm quan trọng của giáo dục, cũng như có những chính sách ưu tiên để tạo điều kiện học tập cho các em.
Trước những thách thức này, cô và các giáo viên trong trường đã hỗ trợ các em như thế nào?
Ngay từ khi các em nhập học, nhà trường đã lên kế hoạch thuê xe, cử giáo viên các khoa đến tận nơi đón các em về trườngvà hỗ trợ đủ 3 bữa ăn mỗi ngày, đảm bảo dinh dưỡng cho các em.
Trong quá trình học tập, tuỳ theo theo từng môn, các thầy cô sẽ hỗ trợ về tài liệu học tập và phương tiện đi tại cho những buổi học thực tế xa trường. Ngoài ra, chứng tôi cũng kêu gọi sự giúp đỡ từ các tổ chức, doanh nghiệp để có những suất học bổng cho các em có thành tích cao trong học tập, khuyến khích các em tiếp tục theo đuổi ước mơ.
Có trường hợp em học sinh người dân tộc Thái học chuyên ngành Kế toán doanh nghiệp, không may mắc bệnh nặng phải nằm liệt giường và không thể hoàn thành chương trình bậc phổ thông trung học cùng các bạn. Nhưng với nghị lực phi thường, em luôn đừng đầu lớp.
Hiểu được hoàn cảnh của em, tôi cùng những đồng nghiệp trong Khoa đã kịp thời động viên, giúp đỡ em trong học tập. Với đặc thù của ngành Kế toán, khoa đã cho em mượn máy tính trong suốt quá trình học tập ở trường. Tôi cũng các đồng nghiệp đã đề nghị Trung tâm Nghiên cứu và phát triển năng lực người khuyết tật (DRD) trao tặng học bổng “Người bạn đồng hành” cho em Huyền trong suốt quá trình học, đồng thời hỗ trợ em tài liệu để học tập, nghiên cứu tốt nhất.
Cô hãy chia sẻ về đóng góp của đội ngũ nhà giáo với sự phát triển của nhà trường?
Thông qua việc tham gia các hoạt động về nâng cao năng lực của Chương trình Aus4Skills, đội ngũ giáo viên của trường đã có cơ hội tiếp cận với nhiều kiến thức và kỹ năng chuyên môn mới. Điều này không chỉ mang lại sự đổi mới trong giảng dạy mà còn góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường, điển hình như việc ứng dụng phương pháp đào tạo và đánh giá theo năng lực thực hiện (CBTA). CBTA đã giúp điều chỉnh các môn thực hành phù hợp hơn với kỹ năng cần đạt, nhờ đó, sinh viên có điều kiện rèn luyện kỹ năng nghề tốt hơn mà không bị áp lực bởi điểm số. Các thầy cô còn chủ động áp dụng những kiến thức mới vào việc điều chỉnh chương trình đào tạo, trong đó mỗi môn học được nêu rõ các năng lực cần đạt. Ngoài ra, trường cũng đã xây dựng phòng thực hành với trang thiết bị đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ năng nghề, tạo điều kiện học tập tốt nhất cho các em.
Nhờ sự đóng góp tận tụy của các thầy cô, kết quả tuyển sinh của nhà trường liên tục tăng qua các năm. Trong năm học 2022-2023, nhà trường tuyển sinh được 468 HSSV. Vào năm 2023 -2024, con số này tăng lên 520, đạt 95,6% chỉ tiêu được UBND tỉnh giao. Kết quả Đánh giá Cơ sở Giáo dục Nghề nghiệp trong năm học 2023-2024, nhà trường đạt 92/100 điểm. Bên cạnh đó, nhà trường được cấp giấy chứng nhận công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo giáo dục nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ lao động – Thương binh và Xã hội ban hành.
Đặc biệt, trong Hội giảng nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024 do Tổng cục giáo dục nghề nghiệp và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức, nhà trường rất tự hào khi cả hai nhà giáo tham dự đều đạt giải, trong đó một nhà giáo đạt giải Nhì, một nhà giáo đạt giải Ba và giải sử dụng thiết bị tự làm hiệu quả nhất.
Nhân ngày 20/11, cô có cảm xúc và thông điệp gì muốn gửi tới đồng nghiệp và học trò?
Ngày 20-11 luôn là dịp đặc biệt đối với các thầy cô giáo. Nhận được tình cảm chân thành từ các em học sinh, đồng nghiệp, tôi thật sự xúc động và cảm thấy ấm lòng hơn khi nhìn thấy các em nỗ lực vượt qua bao khó khăn để đến trường, học tập và tự lựa chọn cho bản thân mình một nghề mà mình yêu thích. Sự trưởng thành của các em theo từng năm học giúp tôi vơi đi bao mệt mỏi của công việc, và những lo toan trong cuộc sống hàng ngày. Món quà các em tặng cho tôi thật ý nghĩa, đó là những giờ học tốt, những giờ thực hành hiệu quả, những buổi đi thực tế ở các cơ quan doanh nghiệp đầy thiết thực, những lời ca tiếng hát, những hoạt động thể thao.
Nhân ngày 20/11, tôi trân trọng gửi tới các thầy, cô giáo, những lời chúc tốt đẹp, những bó hoa tươi thắm nhất! Nghề nhà giáo bao đời luôn là nghề cao quý và được kính trọng nhất. Mong rằng cô/thầy sẽ luôn mạnh khỏe, vui tươi để tiếp tục đồng hành cùng các em trên con đường tri thức.
Cảm ơn cô đã chia sẻ câu chuyện của mình tới các quý độc giả. Kính chúc cô sức khỏe, hạnh phúc và gặt hái nhiều thành công hơn nữa trong sự nghiệp trồng người.