Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển năng lực người khuyết tật Nguyễn Văn Cử: “Tôi từng rớt nước mắt vì bị kỳ thị”.
Học viên tại Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Nguyễn Hữu Cảnh (TPHCM)
Định kiến từ sự hồn nhiên
Hồi nhỏ, cậu bé Nguyễn Văn Cử (TP Hồ Chí Minh) rất thích được đi chơi công viên. Nhưng không như những đứa trẻ hồn nhiên khác, mỗi lần cậu bé ra công viên là lại một lần cậu lủi thủi đi về. Không ít lần chuyến đi chơi kết thúc bằng những giọt nước mắt tủi phận trước những ánh nhìn khác biệt, có khi chỉ là tò mò, cũng nhiều khi soi mói, nhằm vào đôi chân không lành lặn của cậu.
Theo kết quả Điều tra quốc gia về người khuyết tật Việt Nam do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNICEF) công bố năm 2019, người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên chiếm hơn 7% dân số, tương đương khoảng hơn 6,2 triệu người. Cả nước gần 5 triệu hộ gia đình có người khuyết tật.
Người khuyết tật phải đối diện với nhiều định kiến. Không chỉ chịu những cái nhìn kỳ thị khi còn nhỏ, khi lớn lên và đã lập gia đình, anh Nguyễn Văn Cử vẫn thường phải đối diện với những câu hỏi như: “Có gia đình chưa? Vợ con như thế nào?”. Anh Cử cho rằng cách hỏi như vậy thể hiện sự phân biệt đối xử, vì họ nghĩ rằng người khuyết tật chỉ lập gia đình được với người khuyết tật và sinh con khuyết tật…
Bên cạnh định kiến từ xã hội, người khuyết tật còn chịu định kiến ngay từ gia đình. Nhiều gia đình có con em khuyết tật thường “hy sinh” việc học của đứa trẻ để dành cơ hội cho những đứa con khác. Nhiều bậc cha mẹ lại quá xót thương đứa trẻ khuyết tật, chỉ mong muốn bao bọc con suốt đời.
Cũng là một người khuyết tật, nhưng anh Cử may mắn khi cha mẹ xác định: “Con không học thì không làm được việc gì cả”. Vậy là cậu bé Cử được học và tốt nghiệp đại học ngành kinh tế. Nay, anh đã trở thành Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển năng lực người khuyết tật, với nhiệm vụ thực hiện các hỗ trợ cho người khuyết tật…
Cơ hội cho người yếm thế
Điều tra quốc gia về người khuyết tật Việt Nam cũng cho thấy, có những bất bình đẳng về mức sống và sự tham gia xã hội đối với người khuyết tật: Những hộ gia đình có thành viên khuyết tật thường nghèo hơn, trẻ em khuyết tật có nguy cơ ít được đi học hơn các bạn cùng trang lứa, ở các cấp học cao hơn thì cơ hội đi học của trẻ khuyết tật càng thấp hơn. Nếu được đi học, các em vẫn gặp rất nhiều khó khăn, khi mà chỉ có 2% trường tiểu học và THCS có thiết kế phù hợp với học sinh khuyết tật và khoảng 1/7 số trường có một giáo viên được đào tạo về khuyết tật.
Theo ông Daren Leicht, chuyên gia công nghiệp thuộc Tổ chức AIS Global, chiến lược bảo đảm bình đẳng giới và sự đa dạng và hòa nhập xã hội (GEDSI) đang là một trong các chiến lược quan trọng để hỗ trợ người khuyết tật trong cơ hội tiếp cận giáo dục nói chung, giáo dục nghề nói riêng và cơ hội việc làm. Các doanh nghiệp có chiến lược bảo đảm bình đẳng giới cũng như sự đa dạng của lực lượng lao động chứng tỏ sự quan tâm đến phát triển, thể hiện sự tuân thủ luật pháp và có trình độ phát triển mang tính nhân văn.
Theo điều tra nghiên cứu, áp dụng chiến lược GEDSI làm tăng sự gắn kết và hài lòng của nhân viên khi công ty của họ đối xử với các nhân viên và khách hàng thực sự công bằng và đa dạng (Catalyst, 2013). Áp dụng GEDSI cũng nâng cao khả năng giải quyết vấn đề và đưa ra giải pháp.
Hỗ trợ từ những điều nhỏ nhất
Để nâng cao cơ hội học tập và việc làm cho người khuyết tật, các trường dạy nghề trong khuôn khổ hợp tác với Aus4Skills, một chương trình được tài trợ bởi chính phủ Australia, với mục tiêu hỗ trợ phát triển nhân lực cho Việt Nam trong giai đoạn 2016 – 2020 đang tích cực phát triển chiến lược GEDSI tại cơ sở.
Ông Trần Quốc Hải, Hiệu phó Trường Trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh (TPHCM) cho biết, nhà trường đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ như xây dựng quỹ học bổng cho học viên khuyết tật, với nguồn từ ngân sách, từ quỹ cha mẹ học sinh và từ nhà tài trợ; tổ chức đội hỗ trợ để giúp đỡ một số học viên khó khăn về vận động trong việc di chuyển, đi học… Nhà trường cũng xây dựng các điển hình cựu học sinh khuyết tật thành đạt để tư vấn, thuyết phục các gia đình có con em khuyết tật cho con em mình đi học,…
Ông Hải cho rằng các doanh nghiệp cũng cần bố trí những việc làm phù hợp và khuyến khích tuyển dụng người khuyết tật. Cần có sự kết hợp, trao đổi, kêu gọi doanh nghiệp cùng xã hội chia sẻ vấn đề này để tăng cơ hội cho người khuyết tật được đào tạo tham gia vào các ngành nghề.
Nguồn: GD&TĐ