Dịch COVID-19 tác động xấu đến thị trường lao động, đặc biệt lao động trong ngành Logistics. Nguồn cung cầu lao động hậu dịch COVID-19 sẽ có những chuyển đổi nhất định. Đào tạo nhân lực như thế nào để thích nghi với sự thay đổi này?
Cảng nước sâu cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ cần nguồn nhân lực logistics lớn
Tác động thấy rõ
Phân tích các tác động của đại dịch ảnh hưởng đến hoạt động của ngành và đặc biệt là tác động đến thị trường lao động và giáo dục nghề nghiệp ngành Logistics, Chương trình Australia cùng Việt Nam Phát triển Nguồn nhân lực (Aus4Skills) đã xây dựng báo cáo nhanh về “Tác động của dịch cúm COVID-19 tới nhu cầu kỹ năng cho người lao động và hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Logistics Việt Nam.
Báo cáo đã chỉ ra ảnh hưởng của dịch bệnh đến dịch vụ Logistics trong khối các nền kinh tế APEC. Từ các phân tích ngắn hạn đến dài hạn, nhóm tác giả đã phân tích tác động đến hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Logistics tại thành phố Hồ Chí Minh và đưa ra các khuyến nghị cho từng đối tượng cụ thể bị ảnh hưởng.
Ông Vũ Ninh – Thành viên HĐQT Công ty CP Gemadept – Chủ tịch Ban Tư vấn đào tạo ngành logistics (LIRC), đưa ra nhận định: Sau thời gian dịch bệnh xảy ra cần điều chỉnh nhịp độ cung cầu lao động cũng như kỹ năng sẽ thay đổi theo tình hình thực tế. Chính vì thế, hoạt động đào tạo, dự báo kỹ năng, báo cáo về tác động của đại dịch COVID-19 sẽ rất cần thiết.
Phó Chủ tịch Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kiêm Giám đốc chi nhánh VCCI tại Tp.Hồ Chí Minh ông Võ Tân Thành, cho rằng: Các phân tích trong báo cáo đã chỉ ra kịp thời các thách thức mới về nguồn nhân lực mà doanh nghiệp logistics đang đối mặt cũng như các yêu cầu cần thiết trong việc thay đổi hình thức đào tạo để đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Thay đổi để thích ứng
Thông tin từ Viện Nghiên cứu & Phát triển Việt Nam, cho đến năm 2019, các doanh nghiệp dịch vụ logistics cần thêm 18.000 lao động, trong khi các doanh nghiệp sản xuất, thương mại cần trên một triệu nhân sự có chuyên môn về logistics. Dự báo, đến năm 2030 Việt Nam sẽ cần hơn 200.000 nhân sự có kỹ năng cho ngành này. Điều này cho thấy, lĩnh vực logistics đã, đang và sẽ thu hút nhiều lao động chuyên môn cao trong tương lai, đặc biệt là khu vực phía Nam và đồng bằng sông Cửu Long.
Đón đầu nhu cầu nhân lực khu vực, cùng nhận định ngành học logistics với tiềm năng phát triển kinh tế biển trong tương lai gần. Đào tạo Logistics tại Trường Đại học Trà Vinh được coi là mũi nhọn. Theo như nhận định của trường này, hậu Covid-19, Logistics ở miền Tây Nam bộ vẫn sẽ là một lĩnh vực kinh doanh dịch vụ mới, có những bước tăng trưởng mạnh mẽ, đóng góp rất lớn trong hoạt động xuất nhập khẩu và nền kinh tế.
Khẳng định thay đổi để thích ứng, PGS.TS Diệp Thanh Tùng, Trưởng khoa kinh tế luật, Trường Đại học Trà Vinh, cho rằng: Sau Covid-19, chúng tôi càng quyết tâm mở chuyên ngành đào tạo logistics để đón lõng thị trường lao động sau này. Triển khai mô hình CO-OP, đưa doanh nghiệp tham gia đào tạo, sinh viên có 1/3 thời gian làm việc tại các doanh nghiệp như một nhân viên tập sự sẽ giúp trải nghiệm thực tế hơn, tăng cơ hội việc làm sau tốt nghiệp.
===================================================================================
Đồng bằng Sông Cửu Long được xem là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của nước ta, đóng góp 40% giá trị sản xuất nông nghiệp, trên 50% sản lượng lúa, 70% cây trái cây của cả nước, đặc biệt có đến 90% sản lượng gạo xuất khẩu và 65% sản lượng thuỷ sản. Điều này hứa hẹn nguồn nhân lực Logistics vô cùng lớn, hậu Covid-19, cần phải có một chiến lược đào tạo bài bản, mang tính dài lâu để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội. – PGS.TS Phạm Tiết Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh
===================================================================================
Nguồn: GD&TĐ