Theo thống kê, 93% người khuyết tật ở Việt Nam không được học nghề chính quy và 68% người khuyết tật trên 15 tuổi hiện không có việc làm. Việc chưa thể thu hút người khuyết tật tham gia thị trường lao động và phát huy hết tiềm năng của họ khiến Việt Nam hàng năm mất đi khoảng 3% GDP. Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có thể là hướng tiếp cận phù hợp để giúp người khuyết tật có cơ hội học tập, trau dồi kỹ năng, sẵn sàng cho thị trường lao động.
Thông qua dự án “Thúc đẩy sự tham gia của Doanh nghiệp Logistics trong Giáo dục nghề nghiệp” thuộc chương trình Aus4Skills, chính phủ Australia tiếp tục khuyến khích các cơ sở GDNN và doanh nghiệp đối tác phát triển và sử dụng kỹ năng bao trùm trong lĩnh vực Logistics và các lĩnh vực liên quan, đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực bình đẳng giới, khuyết tật và hòa nhập cộng đồng. Vừa qua, với sự hỗ trợ của Chính phủ Úc thông qua Chương trình Aus4Skills, Trung tâm nghiên cứu và phát triển người khuyết tật đã tổ chức Tổng kết “Khóa bồi dưỡng Giảng viên hỗ trợ học viên khuyết tật trong giáo dục nghề nghiệp” lần thứ 4 vào ngày 26/4/2024 tại TP. HCM.
Học viên của khóa học
Tại khoá học, 32 học viên đến từ 18 cơ sở GDNN, 01 hiệp hội logistics, 03 doanh nghiệp và 03 hội người khuyết tật đã nâng cao nhận thức về người khuyết tật, tầm quan trọng của hoà nhập; hiểu rõ về các thách thức và rào cản mà người khuyết tật găp phải trong giáo dục và đời sống; và giúp người tham gia lập kế hoạch hành động nhóm phù hợp với đơn vị công tác. Khóa học đặc biệt này bao gồm một buổi định hướng học viên, học tập trực tuyến thông qua nền tảng e-learning, một buổi thảo luận và hướng dẫn cho dự án ứng dụng, và một buổi tổng kết khóa học.
Với sự hướng dẫn tận tình của các giảng viên đến từ Trung tâm DRD, các học viên đã có quá trình thiết kế và triển khai dự án ứng dụng những kiến thức và kỹ năng mới rất thiết thực như: Sổ tay các ứng dụng công nghệ hỗ trợ người khuyết tật học và làm việc, cải tạo nhà vệ sinh cho sinh viên khuyết tật tại Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, khảo sát đào tạo nghề chính quy cho người khuyết tật, nâng cao nhận thức về cơ hội việc làm (Gia công dữ liệu) tại doanh nghiệp cho học viên khuyết tật, hoạt động hỗ trợ người học khiếm thị.
Đại diện các trường được chứng nhận hoàn thành khóa học
Thành công của Khóa học cũng được thể hiện qua chính những dự án này, góp phần cải thiện điều chỉnh thích hợp cho người khuyết tật, mang lại lợi ích cho cộng đồng. Qua khóa học, các thầy cô học viên của trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức đã thuyết phục được Ban Giám hiệu để có quyết định ban hành về kế hoạch hỗ trợ sinh viên khuyết tật hiện đang theo học tại nhà trường. Từ đây, các thầy cô học viên của trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức đã xây dựng và cải tạo thành công 2 nhà vệ sinh cho người quyết tật, sử dụng hoàn toàn nguồn vốn của nhà trường.
Phát biểu tại buổi Tổng kết khóa học, Ông Dominic Balasurya, Tham tán Kinh tế, Lãnh sự quán Australia tại TP. HCM nhấn mạnh sự đồng hành của Chính phủ Australia trong việc hỗ trợ học sinh khuyết tật tại Việt Nam nhận được nền giáo dục chính quy phù hợp và chất lượng cao
Ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo Thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng là một học viên của khóa học này. Ông cho biết “Khóa học này đã cho tôi cơ hội để học hỏi kinh nghiệm hòa nhập người khuyết tật để xây dựng giáo trình đào tạo bao trùm cho các nhóm yếu thế, trong đó có học viên là người khuyết tật.”
Ngoài ra, trong báo cáo nghiên cứu về tác động của chương trình Aus4Skills với các tổ chức đối tác, việc cải thiện tính đa dạng và bao trùm trong các chính sách và hoạt động thực tiễn đã được đánh giá cao thông qua chia sẻ của nhiều lãnh đạo. “Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải TP.HCM đã xây dựng mô-đun logistics cho sinh viên khuyết tật. Chúng tôi cũng đã ban hành các chính sách tạo điều kiện để hỗ trợ họ. Các sự kiện được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của giáo viên và học sinh. Những thông điệp quan trọng về đa dạng và bao trùm đã được chú trọng chia sẻ, đặc biệt là trong thời gian tuyển sinh để khuyến khích học sinh khuyết tật” – Lãnh đạo Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải TP. HCM chia sẻ.
Thông qua các hỗ trợ của Aus4Skills, số lượng tuyển sinh sinh viên khuyết tật tại các trường nghề tại cơ sở đối tác cũng tăng lên đáng kể với số lượng 17 sinh viên trong năm 2022, đã tăng lên đến 40 sinh viên trong năm 2023. Chương trình Aus4Skills đã và đang nỗ lực thúc đẩy cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp bình đẳng cho tất cả mọi người, nâng cao nhận thức và hỗ trợ gỡ bỏ những rào cản còn tồn tại đối với người khuyết tật trong môi trường giáo dục nghề nghiệp, góp phần giải quyết tình trạng thiếu cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp chính quy của người khuyết tật ở Việt Nam.