Cần một chương trình đào tạo khung chuẩn
Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực logistics đang xem số tiền bỏ ra để đào tạo nhân lực là chi phí mà không phải là đầu tư; với tư duy này sẽ còn lép vế trong cạnh tranh…”. Đó là quan điểm của ông Nguyễn Duy Minh – Tổng thư kí Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) tại một buổi trò chuyện về vấn đề đào tạo nhân lực cho ngành logistics.
Ông Minh cho biết: “Có nhiều vị trí DN logistics rất cần nhưng chúng tôi chưa gặp được nhân lực tại các trường đào tạo nghề hiện nay đáp ứng được những vị trí đó. Do vậy xảy ra tình trạng cạnh tranh gay gắt trong tuyển dụng, lấy người của nhau vì DN nào cũng muốn cho chắc chắn, không phải đào tạo lại”.
Sinh viên Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi trong giờ thực hành lái xe nâng hàng
Đào tạo “Bóc ngắn, cắn dài”
Ông Vũ Ninh, Ban Tư vấn đào tạo ngành Logistics thuộc Chương trình Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực (Aus4Skills) chia sẻ, ngành logistics có tốc độ tăng trưởng khoảng 16% mỗi năm, do đó DN lúc nào cũng có nhu cầu tuyển dụng. Ông Ninh dẫn chứng, tại Công ty cổ phần Gemadept của chúng tôi (ông Ninh là thành viên HĐQT) có 800 lao động, trong đó có tới hơn 600 lao động làm việc trực tiếp tại các kho hàng, cảng. Do đó, nhu cầu lao động logistics rất cao, gần như năm nào cũng phải tuyển dụng. Tuy nhiên, phải tính tới việc đào tạo nghề sao cho đạt chuẩn với các nước để đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành. Cần xây dựng chương trình đào tạo của ngành logistics để trở thành khung chuẩn chung, giúp các trường có cơ sở để đào tạo. Chúng tôi hy vọng khoảng 5 năm tới Việt Nam sẽ có nguồn nhân lực logistics đáp ứng yêu cầu đề ra, cụ thể là mục tiêu giảm chi phí logistics xuống 16 đến 20% để tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp”.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Tp. HCM cho rằng cần thống nhất chuẩn về sư phạm trong đào tạo ngành logistics. Ở mã ngành này nếu mỗi trường soạn thảo giáo trình đào tạo một kiểu sẽ không đáp ứng được yêu cầu đầu ra cho nguồn nhân lực, không đồng đều… Cái cần hiện nay là phải biết mã ngành logistics cần trang bị lý thuyết gì, công nghệ ở đâu. Do đó nên soạn thảo giáo trình theo hướng cách mạng công nghiệp 4.0, đó là hệ thống logistics hiện đại. Cũng theo ông Lâm, mặc dù trong đào tạo nghề mỗi trường có thể tự xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn riêng của mình nhưng phải đảm bảo chương trình đào tạo khung với bộ chương trình chuẩn chung. Chủ trương giáo dục nghề nghiệp phải bố trí khoảng 40% thời gian học lí thuyết tại nhà trường còn 60% thời gian là xuống trực tiếp DN học thực hành để khi tốt nghiệp làm được ngay, DN không phải đào tạo lại. Muốn vậy phải kết nối giữa nhà trường và DN. Theo đó DN phải cử những công nhân lành nghề dạy cho học viên tại trường…
Đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp
Từ thực tế, bà Nguyễn Thị Lý – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức dẫn chứng: “Do trong ngành logistics chưa có một chương trình đào tạo khung nên chúng tôi phải dạy theo đơn đặt hàng của DN. Công ty cơ khí Tân Thanh đặt hàng cung cấp 40 thợ và công ty đưa tài liệu cho nhà trường dạy. Nhà trường thống nhất với công ty là thực hiện mô hình đào tạo kép, 50% dạy lý thuyêt, 50% đến trực tiếp công ty làm và học nghề thực tế… Đây được xem là mô hình đào tạo linh hoạt, lọc ra một nhóm học viên để đào tạo theo yêu cầu của một DN nhất định. Cái chính ở đây là học viên được trải qua học kỳ DN nhằm rút ngắn khoảng cách giữa nhà trường với DN, ra trường làm việc được ngay”.
Ông Nguyễn Văn Chương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi Đồng Nai cho rằng, đào tạo nghề phải do DN dẫn dắt, theo nhu cầu của DN. Do đó DN có thể hỗ trợ nhà trường việc đưa công nhân, kỹ sư đến tham gia giảng dạy và cho học viên được làm việc tại DN khi đang theo học. Ông Chương dẫn chứng, trong logistics cũng phải có chương trình đào tạo khung. Ví như công nhân quản lý kho, coi kho không phải là bốc vác hàng hóa mà điều khiển được hệ thống kho tự động. Theo ông Vũ Ninh, ở Úc người ta thành lập ban tư vấn ngành logistics và xây dựng cơ chế để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và DN có thể gặp nhau, đây là mô hình Việt Nam cần học. Hiện VLA mới đề xuất thành lập Ủy ban điều phối quốc gia về logistics để hoạt động được kết nối tốt hơn, đánh thức được ý thức của nhiều DN. Ông Nguyễn Duy Minh – Tổng Thư ký VLA cũng cho rằng, phải thành lập ban tư vấn nghề logistics và có thành phần là người lao động tham gia. Do đó mô hình Ủy ban điều phối logistics quốc gia là cần thiết. Tuy nhiên, chúng tôi đã kiến nghị với Chính phủ là không cần thành lập ủy ban mới mà có thể nâng cấp thêm chức năng của Ủy ban tạo thuận lợi thương mại hiện nay thành Ủy ban tạo thuận lợi thương mại và logistics. Thực tế để các bên tự phối hợp với nhau là rất thấp do đó phải có người điều phối chung nếu không sẽ khó mà thực hiện…
Theo một số ý kiến của các chuyên gia, Việt Nam cần xây dựng khung chuẩn đào tạo nghề logistics. Tuy nhiên chuẩn này phải do chính các DN đặt ra và họ tự kiểm chứng các tiêu chuẩn đó vì họ là người sẽ hưởng thụ kết quả đào tạo. Đẩy mạnh hơn nữa sự kết nối lý thuyết với thực tiễn tại nơi làm việc. Logistics là ngành nền tảng quan trọng quyết định đến sự phát triển của các ngành khác trong xã hội như chế biến, chế tạo.
Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam