Bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam – Ảnh do Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cung cấp
Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Vietnam News Nguyễn Thị Kiều Trinh về mối quan hệ giữa hai nước trong lĩnh vực giáo dục.
Hợp tác giáo dục là một trong những lĩnh vực phát triển quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và Australia, đặc biệt là giáo dục đại học. Xin bà vui lòng chia sẻ thông tin về mối quan hệ này.
Mối quan hệ hợp tác giáo dục giữa Australia và Việt Nam đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Tính đến tháng Tư năm nay, có tới hơn 23.000 người Việt Nam đang học tập tại Australia, 18.200 trong số họ theo học tại các trường đại học Australia. Hơn 70.000 người Việt Nam hiện đang là cựu sinh viên của các tổ chức giáo dục Australia trong đó có 6.000 cựu sinh viên của chương trình học bổng chính phủ Australia kể từ năm 1974.
Ngoài ra, ước tính có khoảng 7.500 sinh viên Việt Nam đang theo học các chương trình giáo dục Australia tại Việt Nam như Đại học RMIT hoặc Đại học Công nghệ Swinburne.
Điều may mắn là cả người Việt Nam và Australia đều ham thích học hỏi kĩ năng mới hay theo đuổi bằng cấp mới ở quốc gia khác, thúc đẩy trao đổi văn hoá và kết giao bạn bè. Trong năm 2019 đã có hơn 1.000 người Australia tới học tập, thực tập và hướng dẫn tại Việt Nam theo chương trình New Combo Plan do chính phủ Australia tài trợ.
Bên cạnh trao đổi sinh viên, hợp tác của Việt Nam và Australia trong lĩnh vực giáo dục là gì?
Hợp tác giáo dục Australia-Việt Nam không chỉ giới hạn trong trao đổi sinh viên. Theo Hiệp định đối tác chiến lược Australia-Việt Nam ký kết năm 2018, hai nước cam kết thúc đẩy các mối quan hệ giáo dục, đào tạo và nghiên cứu, đồng thời tăng cường liên kết thể chế.
Australia đang làm những gì có thể để giúp Việt Nam tăng cường năng lực cung cấp dịch vụ giáo dục đại học chất lượng cao. Thông qua chương trình Australia cùng Việt Nam Phát triển nguồn Nhân lực (Aus4Skills), được thực hiện từ năm 2016, chúng tôi hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình tự chủ đại học, hỗ trợ Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo thông tư ban hành quy định về chuẩn chương trình đào tạo đối với các trình độ của giáo dục đại học, bước đầu tiên trong thực hiện Khung Trình độ Quốc gia Việt Nam. Aus4Skills cũng đang giúp các trường đại học khu vực miền núi phía bắc Việt Nam nâng cao năng lực lãnh đạo, quản trị và hoạch định chiến lược theo Dự luật cải cách giáo dục đại học của Việt Nam.
Chúng tôi cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các đối tác khác trong việc củng cố chương trình giảng dạy, công tác giảng dạy và đánh giá tại các cơ sở giáo dục và đào tạo nghề, đồng thời cung cấp các công cụ để thúc đẩy sự hợp tác giữa cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức giáo dục trong việc xác định và bổ sung thiếu hụt kỹ năng chính yếu.
Cuối cùng, để thực hiện cam kết chung với CPTPP, Australia và Việt Nam đang hợp tác phát triển năng lực của Việt Nam trong việc xây dựng và cung cấp các khóa đào tạo đại học chất lượng cao trực tuyến – một giải pháp thích ứng kịp thời trong bối cảnh giáo dục toàn cầu đang chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Bà đánh giá thế nào về việc Việt Nam và Australia duy trì mối hợp tác này một cách bền vững?
Quan hệ hợp tác giáo dục Australia -Việt Nam được củng cố bởi các mối liên kết giữa con người với con người, chính phủ với chính phủ và giữa các tổ chức với nhau. Các mối liên kết sâu sắc về học thuật, kinh tế và văn hóa mà chúng ta đã phát triển cho đến nay chắc chắn sẽ được duy trì trong tương lai theo nhiều cách khác nhau.
Australia có nhiều kinh nghiệm phát triển và thực hiện hệ thống giáo dục đại học và đào tạo nghề chất lượng cao, chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm này với Việt Nam và thúc đẩy mối quan hệ giáo dục, đào tạo và nghiên cứu giữa hai nước.
Mối liên kết lâu bền giữa các cơ sở giáo dục và sinh viên sẽ thúc đẩy sự hợp tác liên tục, cũng như làm gia tăng số lượng cựu sinh Australia và Việt Nam. Một phần sáu cựu sinh Học bổng Chính phủ Australia tại Việt Nam đang làm việc trong ngành giáo dục, bao gồm các giảng viên, học giả và các nhà quản lý giáo dục. Chính phủ Australia cũng tài trợ nhiều hoạt động của cựu sinh Australia tại Việt Nam, nhằm giúp họ áp dụng kiến thức và kỹ năng tiếp thu được từ quá trình học tập tại Australia để nâng cao trình độ chuyên môn, tạo nên sự thay đổi cho cộng đồng và củng cố mạng lưới kết nối tại Australia. –VNS.