10 năm trước, ngày Kỹ năng thanh niên thế giới (15/07) chính thức được thành lập, với mục đích nhấn mạnh việc trang bị cho thanh niên những kỹ năng và cơ hội để chủ động gia nhập thị trường lao động, lập nghiệp và phát triển sự nghiệp, đóng góp cho một tương lai hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững.
Trong khuôn khổ chương trình Aus4Skills, kể từ năm 2017 đến nay, dự án ‘Thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp logistics trong giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam” đã phối hợp với 16 trường nghề tại Việt Nam, trang bị cho hàng trăm giáo viên và nhà quản lý những kiến thức và kỹ năng mới, đồng thời đưa ra các phương pháp tiếp cận mới để phát triển kỹ năng, bao gồm phương pháp đào tạo và đánh giá dựa trên năng lực thực hiện (CBTA).
Phạm Thị Hiển (cựu sinh viên trường Cao Đẳng Hàng Hải I, Hải Phòng) và Bùi Lê Lộc Phát (cựu sinh viên trường Cao đẳng Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh) đại diện cho cho hơn 5.300 sinh viên được hưởng lợi từ việc nâng cao chất lượng giảng dạy trong dự án. Đều theo học chương trình Cao đẳng Logistics, các bạn chia sẻ đến với ngành như một cái “duyên”, nhưng quá trình trực tiếp trải nghiệm những thay đổi tích cực mà học nghề đem lại tới sự nghiệp và cuộc sống của mình đã khiến các bạn ở lại với nghề, và càng thêm tự tin rằng đây là quyết định chính xác.
Cơ duyên nào mà bạn lựa chọn học cao đẳng về logistics?
Hiển: Học ngành này cũng là cái duyên của em. Khi tốt nghiệp trung học phổ thông vào năm 2017, em đã có rất nhiều dự định đề ra cho bản thân mình. Em thi đỗ chuyên ngành kế toán của Đại học Hàng hải, cũng đã tìm hiểu về việc đi du học Nhật Bản và làm việc vài năm. Cuối cùng, kế hoạch này lại không thể thực hiện được vì gia đình không muốn em đi xa. Đại học em thi đỗ nhưng rồi không bảo lưu điểm, nếu muốn theo học thì sẽ phải thi tuyển lại. Trong lúc tìm hiểu các lựa chọn, em thấy trường Cao đẳng Hàng hải I mở tuyển sinh khóa đầu tiên của chuyên ngành Logistics. Cảm thấy hứng thú với chương trình học, em đã quyết định đăng ký.
Phát: Từ năm 2014 đến năm 2017, em được điều động đi nghĩa vụ quân sự. Chứng kiến quy trình hậu cần trong quân đội rất chỉn chu, em cảm thấy rất tò mò về khía cạnh vận hành và mong muốn được tìm hiểu thêm. Khi xuất ngũ, sau khi biết Logistics liên quan đến hậu cần, em quyết định theo đuổi ngành và có duyên được tiếp cận kiến thức Logistics từ trường Cao Đẳng Kinh Tế thành phố Hồ Chí Minh.
Bạn thấy học nghề có những lợi thế gì?
Hiển: Qua tham khảo các hướng học tập khác nhau, em đánh giá học nghề là một lựa chọn hợp lý về mặt thời gian đào tạo cũng như chi phí. Các chương trình học nghề thường chỉ mất tầm ba năm để hoàn thành, giúp sinh viên có thể gia nhập thị trường lao động sớm hơn. Không chỉ vậy, các kiến thức được đào tạo cũng rất thực tế, áp dụng được trực tiếp vào trong quá trình làm việc.
Phát: Một lợi thế em nghĩ ít được nhắc đến của học nghề là rèn tư duy sáng tạo và sự logic, tỉ mỉ trong công việc. Tư duy sáng tạo trong chuỗi cung ứng nói chung và chuỗi cung ứng logistics nói riêng, song song từ kiến thức lý thuyết áp dụng với việc thực tế, giúp chúng em dễ thay đổi, thích ứng hơn khi có sự thay đổi trong môi trường làm việc, tự tin hơn khi đối diện với những công nghệ mới, cách thức vận hành mới.
Một số cơ hội đặc biệt/bài học nào bạn nhận được trong quá trình học mà bạn thấy là đáng giá cho sự nghiệp tương lai của mình?
Hiển: Nói về tính thực tế của việc học nghề, em cảm thấy được tham gia các lớp thí điểm CBTA là một trải nghiệm đặc biệt, không phải ai đi học cũng có. Các lớp học CBTA mang lại cho em những hình dung rất rõ ràng về tính chất công việc tương lai, cũng như những tiêu chuẩn mà doanh nghiệp yêu cầu. Ngoài ra, vì trường có liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp đối tác, nên ngay sau khi học tại môi trường mô phỏng, em sẽ ngay lập tức được áp dụng thực hành tại môi trường doanh nghiệp. Nhờ được tiếp xúc sớm, quen việc hơn, mà em đã được nhận vào làm ngay sau kỳ thực tập tại doanh nghiệp, ngay trước khi tốt nghiệp!
Phát: May mắn là em được tiếp cận kiến thức về chuỗi cung ứng và logistics khi tham gia lớp thí điểm CBTA theo mô hình của Úc, đặc biệt là Kho Vận, tiếp thu được mô hình kho mô phỏng, nắm căn bản, để phát triển bản thân. Khi được thực tập tại Doanh nghiệp (Kho), em làm việc và học hỏi nhanh hơn, đỡ mất thời gian đào tạo từ Doanh Nghiệp, Doanh nghiệp có thể phát triển em nhanh và giữ vị trí chức vụ cao hơn.
Cảm ơn và chúc hai bạn thuận lợi trong công việc!
“Chúng tôi rất hài lòng với với kỹ năng làm việc của em Hiển. Con đường phát triển sự nghiệp của các sinh viên học nghề như em Hiền tại công ty chúng tôi rất rộng mở. Chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho sinh viên học trường nghề tới thực tập và làm việc tại Công ty.” Ông Lê Minh Chiến – Trưởng phòng Kho, Công ty CP Liên Kết Vàng (Golden Link), Khu kinh tế Đình Vũ, Hải Phòng
“Chúng tôi tự hào có một nhân viên như em Phát. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với Nhà trường và chào đón các em tới thực tập và làm việc tại Công ty chúng tôi. Các em lựa chọn học nghề cứ vững tin với lựa chọn của mình nhé.” Ông Nguyễn Duy Minh – Tổng thư ký hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám Đốc Công ty INTERLOG