Một giờ học tiếng Anh của SV khoa Ngoại ngữ Trường ĐH Tây Bắc với tình nguyện viên đến từ Australia
GD&TĐ – Tìm hiểu những khái niệm về giới, kiến thức về ngăn chặn bạo lực gia đình… là những chủ đề thuyết trình của sinh viên khoa Ngoại ngữ trường ĐH Tây Bắc trong thời gian gần đây.
Đây là thành quả của sáng kiến “Lồng ghép kiến thức về ứng phó và ngăn chặn bạo lực trên cơ sở giới vào giáo trình giảng dạy tiếng Anh, Khoa Ngoại ngữ Trường Đại học Tây Bắc” của giảng viên, TS Nguyễn Thị Hương.
Những mầm xanh vươn mình phát triển
“Trước khóa học, tôi hoàn toàn không hiểu biết sâu về lĩnh vực này. Nhưng sau khóa học học, tôi thấy rằng cần phải áp dụng những kỹ năng kiến thức trong lãnh đạo để làm cái gì đó cho các sinh viên của mình.”- TS Nguyễn Thị Hương.
TS Nguyễn Thị Hương may mắn được tham gia Khóa Học bổng ngắn hạn Chính phủ Australia “Hành trình hỗ trợ phụ nữ trong lãnh đạo”. Chương trình đã thay đổi nhận thức của Nguyễn Thị Hương về thuật ngữ “lãnh đạo”, rằng “lãnh đạo” là người tiên phong đi đầu và truyền cảm hứng, dẫn dắt người khác. Sau khóa học này, Nguyễn Thị Hương học được rất nhiều kỹ năng, kiến thức trong công tác quản lý, về giới, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở bình đẳng giới…
Với tư cách là một giảng viên ngoại ngữ ở bậc ĐH, Nguyễn Thị Hương nhận thấy nội dung giảng dạy ngoại ngữ từ trước đến nay chưa bao giờ có các nội dung về giới, đây thực sự là kiến thức rất mới đối với cả Nguyễn Thị Hương và với cả sinh viên. Bản thân cô cũng là người tham gia xây dựng chương trình học, chương trình chi tiết, chương trình đề cương nhưng cô và các đồng nghiệp chưa bao giờ suy nghĩ đến việc đưa những kiến thức về bình đẳng giới vào trong chương trình học tiếng Anh.
Nguyễn Thị Hương suy nghĩ phải làm gì đó từ chính chương trình dạy học, từ đó có tác động đến ý thức của các sinh viên để từ ý thức đúng mới có hành động đúng, lan tỏa kiến thức về bình đẳng giới, chống bạo lực trên cơ sở giới, kỹ năng và kiến thức về lãnh đạo cho các em sinh viên. Chính vì vậy, Nguyễn Thị Hương đã xây dựng dự án “Lồng ghép kiến thức về ứng phó và ngăn chặn bạo lực trên cơ sở giới vào giáo trình giảng dạy tiếng Anh, Khoa Ngoại ngữ Trường Đại học Tây Bắc”.
Ban đầu, Nguyễn Thị Hương cảm thấy dự án có phần khiêm tốn nên có đôi chút e ngại. Nhưng khi trình bày trước các bạn học và các chuyên gia chuyên gia của Trường Đại học Flinders (Australia), Nguyễn Thị Hương nhận được sự tư vấn, ủng hộ rất tích cực, khiến cô đã tự tin hơn với dự án của mình. “Một dự án nhỏ nhưng nhờ đó, những hạt giống nhỏ bé dần dần nó sẽ thành những mầm xanh khỏe mạnh, vươn thành vườn cây, phát triển và lan tỏa.” – Nguyễn Thị Hương tự tin nói.
TS Nguyễn Thị Hương (thứ hai từ trái qua) nhận chứng chỉ tốt nghiệp Khóa học ngắn hạn Học bổng Chính phủ Australia “Hành trình hỗ trợ phụ nữ trong lãnh đạo”
Giới, chủ đề thu hút nhiều bạn trẻ
Năm 2018 là năm đầu tiên TS Nguyễn Thị Hương thực hiện thử nghiệm dự án trên 2 khóa học về môn Kỹ năng tiếng do cô giảng dạy với 2 khóa sinh viên. Do là sinh viên chuyên ngành tiếng Anh nên các em phải tìm hiểu các kiến thức mới về lĩnh vực ứng phó, ngăn chặn bạo lực trên cơ sở giới bằng tiếng Anh, mục đích vừa giúp sinh viên cải thiện vốn tiếng Anh, vừa xen kẽ vào bài học như một nhiệm vụ học tập của các em. Các sinh viên phải đọc, tìm hiểu bằng tiếng Anh, qua đó thiết kế lên bài thuyết trình của mình, tạo ra những bài sản phẩm để cô giáo chấm điểm để được cộng vào điểm thành phần.
Sau khóa học, cô Nguyễn Thị Hương phát phiếu đánh giá và phỏng vấn các sinh viên về nhiệm vụ học tập mới. Các em đều cho biết rất thích thú, hào hứng với những kiến thức rất gần gũi với thực tế được học bằng tiếng Anh.
Điều quan trọng là hình thức tổ chức là những buổi tập huấn, tư vấn hỗ trợ trong không gian rất ấm cúng, cởi mở, thân thiện, từ hai phía, không phải là tầng bậc giảng viên và sinh viên mà là chia sẻ từ những người có trải nghiệm, kinh nghiệm nhiều hơn. Các sinh viên cảm thấy rất thoải mái và chia sẻ rất nhiều những tâm tư, khúc mắc, khó khăn mình gặp phải trong cuộc sống. Các em thực hiện bài thuyết trình của mình với tâm thế thoải mái, vui vẻ, hợp tác trong làm việc nhóm.
Với một kiến thức mới như vậy, cô Nguyễn Thị Hương có phần bất ngờ về sự đón nhận của sinh viên trong khoa. Các em đã làm việc nhóm nhiều buổi và tìm mọi cách để bài thuyết trình của mình đẹp nhất, hay nhất, được điểm cao, giành được phần thưởng, được các bạn và cô giáo ghi nhận.
Tiết học ngoại ngữ nào các sinh viên cũng hỏi cô giáo những kiến thức về bình đẳng giới – tất nhiên là những câu hỏi tiếng Anh: Cô ơi em làm thế này đúng chưa? Cô ơi trong trường hợp này thì như thế nào; Kiến thức em đọc có đúng không? Tranh ảnh em sưu tầm có được hay không… Thậm chí sinh viên còn xin số điện thoại của người hỗ trợ tư vấn chuyên môn của cô Nguyễn Thị Hương để gọi điện thoại hỏi mỗi khi gặp khúc mắc chưa giải đáp ngay được.
Để thấy rằng kiến thức về bình đẳng giới, ứng phó và ngăn chặn bạo lực trên cơ sở giới cũng rất được các sinh viên quan tâm, nội dung rất đời thường hàng ngày mọi người nên biết, nên hiểu, chứ không phải cái gì đó xa vời. Quan trọng nhất là sự thay đổi trong suy nghĩ của sinh viên về các vấn đề ứng phó, ngăn chặn bạo lực trên cơ sở giới. Một vấn đề mới nhưng thu hút sự quan tâm của sinh viên, với cô Nguyễn Thị Hương đó chính là thành công!
=====================================================================================
“Những khóa học sau này tôi sẽ tiếp tục thử nghiệm thêm nữa và những năm sau tôi sẽ đánh giá tác động xem nội dung này có phù hợp để đưa vào chương trình dạy học một cách chính thức hay không. Tham vọng của tôi là đưa nội dung này vào chương trình dạy học chính thức, trước mắt là cho sinh viên chuyên tiếng Anh môn kỹ năng tiếng. Sau đó lan tỏa ra các ngành khác, khoa khác, bộ môn khác.” – TS Nguyễn Thị Hương.
=====================================================================================
Nguồn: Báo GD&TĐ