TS Phạm Thanh Hiếu nhận chứng chỉ khóa học Nâng cao Năng lực của giảng viên nhằm hỗ trợ học tập cho sinh viên khó khăn từ TS Howard Nicholas
GD&TĐ – Sinh năm 1983, nữ TS trẻ Phạm Thanh Hiếu – Giảng viên bộ môn Toán Lý khoa Khoa học cơ bản, Trường ĐH Nông LâmThái Nguyên – vừa kết thúc khóa học 3 tháng “Nâng cao năng lực của giảng viên nhằm hỗ trợ học tập cho sinh viên khó khăn” trong khuôn khổ chương trình Úc cùng Việt Nam hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực (Aus4skills).
Hỏi Thanh Hiếu ấn tượng về khóa học là gì? Nữ TS trẻ cười tươi chia sẻ: Nhiều lúc ở lớp học tôi cứ nghĩ mình là…Hiệu trưởng!
Nhập vai và suy nghĩ
Khóa học Thanh Hiếu tham gia do chuyên gia Úc – TS Howard Nicholas – ĐH La Trobe – giảng dạy. Thầy Howard đã khơi dậy những suy nghĩ, kiến thức, kỹ năng của mỗi giảng viên trong việc làm thế nào để hỗ trợ tốt nhất cho sinh viên khó khăn gồm nhóm sinh viên đến từ vùng dân tộc thiểu số, nhóm nữ sinh viên, nhóm sinh viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.
Thầy luôn luôn đưa ra vấn đề làm thế nào để tốt cho sinh viên về mặt giảng dạy, về đời sống cùng các chính sách hỗ trợ, cơ sở vật chất của nhà trường. Đối tượng khóa học hướng tới là sinh viên khó khăn nhưng trên thực tế, đối tượng hưởng lợi là đa số các sinh viên của Trường ĐH Nông Lâm Thái Nguyên.
Mới đầu, Phạm Thanh Hiếu chắc mẩm đi học sẽ được chuyên gia Úc cung cấp những phương pháp “hoành tráng”, giống như một cẩm nang hướng dẫn! Thế nhưng khi đi học thì hoàn toàn không phải như vậy. Thầy Howard đưa ra các hoạt động, tình huống, như nói về sinh viên hoàn cảnh khó khăn, thầy đưa câu hỏi cho các học viên: Theo bạn, sinh viên hoàn cảnh khó khăn ở lớp gặp những khó khăn gì, thuận lợi gì? Trả lời xong lại tiến hành phân loại sinh viên khó khăn theo các nguyên nhân, chia thành từng nhóm. Đối với mỗi nhóm sinh viên khó khăn cần có những phương pháp gì để hỗ trợ.
Yêu cầu chuyên gia đưa ra là đề xuất phương pháp không chỉ với tư cách là giảng viên mà còn nhập vai với góc nhìn của các phòng ban, cán bộ lãnh đạo trong nhà trường… “Nhiều lúc tôi nghĩ đi học thế này tôi cứ như là hiệu trưởng vậy, phải suy nghĩ rất nhiều thứ mà trước nay tôi không hề nghĩ tới.” – Thanh Hiếu hóm hỉnh nhận xét.
Những buổi học sau, trong các hoạt động, thầy Howard yêu cầu các nhóm trình bày các giải pháp, phản hồi suy nghĩ giải pháp nào hay, có thể học được gì từ các giải pháp đó. Cứ mỗi một nhóm trình bày lại có phản hồi như thế. Những điều thầy Howard chia sẻ không phải là kiến thức mới, mọi người có thể đã biết hết rồi nhưng còn manh mún, nghe đâu đó rồi quên đi không áp dụng. Ở khóa học này, các kiến thức được chuyên gia Úc hệ thống lại khiến Thanh Hiếu cùng các đồng nghiệp vô cùng ấn tượng, chỉ mong được áp dụng ngay trong thực tế giảng dạy của mình. Và tự bản thân Thanh Hiếu đã thầm nghĩ: “À, thầy làm như vậy thì mình cũng có thể học theo để hỗ trợ các sinh viên.”
Nam sinh viên Tráng A Dơ cùng các bạn nữ thuộc Chương trình tiên tiến của TUAF. trong hoạt động nhóm
Tôn trọng bản sắc cá nhân, khích lệ sinh viên cố gắng
TS Phạm Thanh Hiếu giảng dạy Chương trình tiên tiến ngành Khoa học và Quản lý môi trường của Trường ĐH Nông Lâm, có nam sinh viên trong lớp tên là Tráng A Dơ, người dân tộc Mông, rất rụt rè. Khi tổ chức các hoạt động nhóm, Thanh Hiếu để ý thấy Tráng A Dơ hầu như không nói gì, giảng viên khích lệ nhưng A Dơ tỏ ra rất ngại ngùng.
Ngầm hỗ trợ để Tráng A Dơ tự tin hơn, lúc sắp xếp hoạt động nhóm, Thanh Hiếu xếp A Dơ vào nhóm có 4 sinh viên nữ và chỉ có A Dơ là nam. Khi lên trình bày nhóm, Hiếu động viên, nói với Tráng A Dơ: Em ơi, trong nhóm có mỗi em là nam, mình gánh vác việc lớn, lên đại diện nhóm nhé. Động viên mãi, A Dơ cũng lên trình bày. Lúc đầu còn rụt rè, sau được cả nhóm hỗ trợ, Tráng A Dơ tự tin, mạnh dạn hơn trình bày kết quả của nhóm.
Cùng đó, học tập phương pháp của chuyên gia Úc, khi đưa ra các hoạt động nhóm, Phạm Thanh Hiếu không bất chợt đặt câu hỏi rồi chỉ định sinh viên trả lời khiến các em sợ và bị động, nữ TS luôn khởi động bằng câu hỏi khá dễ rồi yêu cầu thảo luận theo nhóm. Bắt đầu bằng suy nghĩ cá nhân về một vấn đề, sau đó chia sẻ với người bên cạnh, rồi thảo luận nhóm 3 – 5 người, tập hợp các ý kiến, ý kiến nào hợp lý nhất sắp xếp theo thứ tự ưu tiên.
Làm như vậy ý kiến phát ngôn là ý kiến chung của cả tập thể, khiến sinh viên không cảm thấy e ngại và cũng có thời gian để chuẩn bị, cố gắng đặt các sinh viên vào tập thể chứ không phải đơn độc đối phó với thầy cô.
TS Phạm Thanh Hiếu
Kế hoạch lan tỏa những kiến thức đã học
Phạm Thanh Hiếu chia sẻ: Sau khóa học, tôi thấy bản thân khác trước nhiều. Ngày xưa tôi cũng đã rất muốn hỗ trợ sinh viên, nhưng có lúc cảm giác khả năng của mình bị giới hạn, không biết làm cách nào có thể hỗ trợ tốt nhất cho các em. Còn bây giờ, bên cạnh các phương pháp được học, mỗi khi gặp phải khúc mắc tôi cố gắng tưởng tượng hoặc nhớ lại rằng khi đi học, thầy Howard đã giải quyết vấn đề như thế nào. Sau khi học, chúng tôi hình thành một mạng lưới chia sẻ với nhau. Ngay chính giảng viên chúng tôi cũng sử dụng trí tuệ tập thể để giải quyết vấn đề.
Được biết TS Phạm Thanh Hiếu đang có một dự án cá nhân Nâng cao kỹ năng mềm cho sinh viên thông qua môn học Xác suất thống kê nhằm tăng kỹ năng diễn đạt, làm việc nhóm, trình bày bằng power poin, trình bày trên giấy khổ lớn A0 cho các sinh viên. Thanh Hiếu đã đăng ký với khoa tổ chức seminar ở cấp bộ môn, cấp khoa vào tháng 9 hoặc tháng 10/2018.
Điều đặc biệt là hình thức trình bày dự án trình bày là dẫn dắt để các thầy cô tham gia vào hoạt động với vai trò vừa là người tham dự seminar, vừa là người chia sẻ, khơi gợi khả năng hỗ trợ cho sinh viên bằng kiến thức và kỹ năng của giảng viên, chia sẻ thêm những công cụ mới.
“Tôi cho rằng tùy thuộc vào đối tượng sinh viên để có các biện pháp khác nhau khích lệ, hỗ trợ các em.Trong khóa học, thầy Howard luôn nói làm thế nào để vẫn tôn trọng bản sắc của mỗi cá nhân mà khích lệ để sinh viên cố gắng, đấy mới là điều quan trọng.” – Tiến sĩ Phạm Thanh Hiếu.
Nguồn: Báo GD&TĐ