TS Vũ Thị Thanh Thủy (thứ hai từ trái sang) nhận chứng chỉ sau khi kết thúc khóa học ngắn hạn “Hành trình hỗ trợ lãnh đạo nữ”
GD&TĐ – Giữa năm 2017, TS Vũ Thị Thanh Thủy –Trưởng khoa Quản lý Tài nguyên, Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên) – được lãnh đạo cử đi học Khóa học ngắn hạn Học bổng Chính phủ Australia “Hành trình Hỗ trợ Phụ nữ trong Lãnh đạo” được tài trợ bởi Chính phủ Australia.
Mới đầu, chị Thủy nghĩ ngay: “Trường mình, khoa mình có cái gì không bình đẳng giới đâu mà phải đi học!” Thế rồi, sau thời gian học tập tại Việt Nam và Úc, chị Thủy đã có suy nghĩ khác hẳn. Để trở về, chị hành động…
Thay đổi chiến thuật tạo cơ hội cho SV nữ
Được sự hỗ trợ của các chuyên gia Úc, TS Vũ Thị Thanh Thủy đã xây dựng Dự án Nâng cao nhận thức và kiến thức về bình đẳng giới cho sinh viên Trường ĐH Nông lâm (ĐH Thái Nguyên). Lúc đầu, mục tiêu của dự án chỉ là điều tra nhận thức về bình đẳng giới ở SV nam và nữ. Sau đó tổ chức mời các chuyên gia uy tín trao đổi về bình đẳng giới với sinh viên. Tuy nhiên, trong quá trình học về bình đẳng giới, chị Thủy nhận thấy nếu cứ nói bình đẳng giới mang tính lý thuyết thì không hiệu quả thực chất.
Khoa Quản lý tài nguyên phần nhiều liên quan đến kỹ thuật, nhiệm vụ của chị Thủy và các đồng nghiệp là đưa SV kết nối với các doanh nghiệp để các em được thực tập, sau khi ra trường có cơ hội xin việc dễ hơn. Nhưng tất cả các doanh nghiệp chỉ muốn nhận SV nam, không nhận SV nữ với các lý do: Công việc phải đi xa, thiết kế chỗ ăn ở cho nữ phức tạp hơn nam, rồi nữ sức khỏe không bằng nam…
Nếu như trước kia, chị Thủy sẽ không nghĩ nhiều mà bảo sinh viên nữ: “Thôi các em cứ về nhà, về phường xã hoặc tự tìm kiếm nơi thực tập chứ cô kết nối rồi nhưng không được.” Nhưng sau khi học xong khóa học tại Úc, chị thấy mình làm như vậy vô tình đánh mất cơ hội của các SV nữ. Rõ ràng các em được đào tạo như nhau, nhưng khi thực tập ở doanh nghiệp, SV nữ lại không có cơ hội như các SV nam.
Chị Thủy đã trao đổi với các doanh nghiệp để xem có thể sắp xếp chọn SV nữ. Có doanh nghiệp “xuôi xuôi”, chị Thủy “bồi thêm”: “Nếu không nhận SV nữ thì SV nam cung cấp cho doanh nghiệp cũng phải xem xét.” Và một số doanh nghiệp đã sắp xếp cho SV nữ vị trí công việc phù hợp. Các em nữ đã thể hiện năng lực rất tốt, quyết tâm vươn lên.
Từ đó trở đi, doanh nghiệp nhận SV nữ thực tập nhiều hơn. Có SV nữ sau khi ra trường đã quay trở lại doanh nghiệp thực tập để làm việc và gặt hái thành công. Như em SV tên Tuyết, học liên thông, khi làm ở doanh nghiệp đã tự nhận khoán cấp giấy chứng nhận sử dụng đất của một xã – một khối công việc không hề đơn giản. Chính chủ doanh nghiệp đã nói với chị Thủy: SV nữ của chị chủ động làm tất cả mọi việc, mạnh dạn hơn cả SV nam!
Điều khiến chị Thủy rất tâm đắc sau khóa học tại Úc đó là: Làm lãnh đạo phải tạo ra một mạng lưới kết nối. Áp dụng vào ngay chính công việc của mình để giúp SV nữ, chị Thủy mở rộng mạng lưới các doanh nghiệp. Chị chia sẻ suy nghĩ, ý tưởng tạo điều kiện cho các SV nữ với lãnh đạo trong trường, đồng nghiệp trong khoa và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Mỗi người lại giới thiệu cho chị các doanh nghiệp mình quen biết, mạng lưới kết nối doanh nghiệp thêm mở rộng ra mảng bất động sản, sự lựa chọn của SV khi thực tập phong phú hơn và chị Thủy càng thêm lợi thế khi “ra điều kiện” với doanh nghiệp trong việc nhận SV nữ thực tập!
TS Vũ Thị Thanh Thủy
Phải tâm huyết, suy nghĩ mới thành công
Những câu chuyện chị được học ở Úc rất nhiều ý nghĩa. Ví dụ có một nhà máy đều nhận cả công nhân nam và công nhân nữ. Nhưng nhà máy nằm trong khu vực không an toàn, buổi tối công nhân nữ đi lại ở đó rất dễ bị quấy rối. Nếu cứ để như vậy mà không làm gì, vô hình trung làm nữ giới mất đi cơ hội được đi làm. Nhưng nếu lắp thêm đèn cho sáng, tạo tuyến xe bus đi qua khu vực đó cho công nhân nữ thì họ sẽ yên tâm làm ca đêm.
Hay có một lần vào nhà Hạ viện Úc, cô giáo kể về một phụ nữ để giành được quyền bỏ phiếu cho nữ giới đã phải trải qua nhiều cuộc đấu tranh lâu dài. Bà đã mặc áo mưa cầm biểu ngữ đấu tranh, mặc cho bị ném cà chua, trứng thối vào người. Để khỏi bị đuổi khỏi tòa nhà Hạ viện, bà đã chăng dây xích buộc chặt mình vào ghế để tuyên truyền cho nữ giới được bầu cử.
Tối về, chị Thủy tìm tài liệu để đọc và rất ấn tượng với câu nói của nhà đấu tranh cho quyền bình đẳng giới, đại ý: “Khi phụ nữ bị phạm tội thì bị xử tù giống như nam giới. Nhưng một người mẹ, người vợ rất đoan trang, làm đầy đủ tất cả mọi việc, tại sao lại không có được quyền bầu cử như một người say rượu?” Để thấy rằng nếu chỉ nói suông bình đẳng giới như trước đây mình vẫn nghĩ thì không làm gì được, phải tâm huyết, phải suy nghĩ thì mới thành công.
Theo chị Thủy, hiện khó khăn nhất trong vấn đề bình đẳng giới ở khoa, ở trường chính là nhận thức của nữ, cứ cho rằng “thế là được rồi, không phải bon chen gì nhiều”. Giống như chị ngày xưa, thấy “không cần làm lãnh đạo, làm giảng viên là được rồi”. Nhưng nghe lời động viên từ bạn bè, người thân, rằng mình có thể làm được thế là cũng cố gắng, thay đổi nhận thức và đã hoàn thành công việc không kém gì nam giới. Điều tai hại là ở chỗ không tự nhận thức được mà thụ động chờ người khác huých vào mình.
Chị Thủy mong muốn nhận thức về bình đẳng giới lan tỏa đến nhiều người hơn. Nếu có điều kiện, mong các giảng viên nam trẻ ở khoa được cử đi học các khóa học về bình đẳng giới, khi trở về tạo thành mạng lưới lĩnh hội và lan tỏa nội dung bình đẳng giới sâu rộng hơn nữa.
“Tôi cho rằng bình đẳng giới nếu chỉ dừng lại ở lý thuyết hô hào nâng cao nhận thức thì không thay đổi được gì. Nhưng nếu cùng nhau suy nghĩ, thay đổi chiến thuật, thương lượng với các doanh nghiệp sẽ có hiệu quả. Bây giờ tỷ lệ nữ SV của khoa thực tập làm việc trong các doanh nghiệp khá tốt, chiếm khoảng 50% tổng số SV nữ” – TS Vũ Thị Thanh Thủy.
Nguồn: Báo GD&TĐ