TS Nguyễn Thị Hồng Minh
GD&TĐ – “Cô ơi, cô tìm giúp em một công việc làm thêm được không cô? Em cần kiếm tiền trang trải cuộc sống, mà qua các Trung tâm gia sư họ cứ đòi phải trả trước mấy tháng lương…” – TS Nguyễn Thị Hồng Minh – Trường Bộ môn Ngoại ngữ – Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) kể lại một trong nhiều tin nhắn chị nhận được sau khi lập Dự án “Hỗ trợ SV nữ dân tộc thiểu số ở Trường ĐH Sư phạm – ĐH Thái Nguyên tiếp cận việc làm thêm an toàn và phù hợp”.
Dự án đặc biệt
Ở khoa Ngoại ngữ, Trường ĐH Sư phạm (ĐH) Thái Nguyên, sinh viên Tô Thị Thuyên nhà ở huyện Bắc Quang (Hà Giang) có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Bố em mất sớm, mẹ em một mình đồng áng xoay sở lo cho hai chị em Thuyên ăn học.Thuyên đã nỗ lực vượt lên hoàn cảnh khó khăn, có thành tích cao trong học tập.
Em mong muốn tìm được công việc làm thêm để có thể chủ động về kinh tế. Và chị Hồng Minh đã giới thiệu cho Thuyên công việc làm gia sư. Sau một thời gian đi làm, Thuyên đã có thể mua được những quyển sách tham khảo, đọc thêm nâng cao kiến thức. Mẹ em ở nhà không phải lo lắng con đi học có đủ tiền trang trải sinh hoạt hay không.
Còn nữ sinh Phùn Thị Mai – dân tộc Dao ở Bắc Giang lại mong muốn được làm thêm để rèn luyện chuyên môn nghiệp vụ. Chị Hồng Minh đã giới thiệu cho Mai làm gia sư một học sinh lớp 4, con của một giảng viên trong trường.
Sau khi đi làm thêm, Mai tâm sự với cô giáo là: “Mới đầu em rất bỡ ngỡ vì chưa bao giờ giảng bài hướng dẫn cho ai. Giờ được tập dượt làm thầy cô giáo, phải chuẩn bị bài, tìm phương pháp giảng giải để học sinh có thể hiều được…em hiểu thêm tâm lý của trẻ nhỏ và biết được các tình huống sư phạm cần phải xử lý”.
Đây là 2 trong nhiều sinh viên được Dự án “Hỗ trợ SV nữ dân tộc thiểu số ở Trường ĐH Sư phạm – ĐH Thái Nguyên tiếp cận việc làm thêm an toàn và phù hợp” của chị Hồng Minh giúp đỡ tìm được công việc thành công.
SV Tô Thị Thuyên làm trợ giảng tại Trung tâm ngoại ngữ
“Bầu show” cho sinh viên làm thêm
Dự án của chị Hồng Minh xuất phát từ thực tế Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) nằm ở địa bàn miền núi, trung du phía Bắc với hơn 30% sinh viên dân tộc thiểu số, hơn 70% trong số đó là nữ SV. Những sinh viên này đa số đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, rất vất vả trong việc trang trải chi tiêu cá nhân. Học trường sư phạm đã được miễn học phí và trường có nhiều chính sách để hỗ trợ, nhưng các em đều mong muốn có thể chủ động kiếm tiền trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày.
Sau khi tham gia khóa học bổng ngắn hạn của Chính phủ Úc “Hành trình hỗ trợ phụ nữ trong lãnh đạo”, được học tập và tham quan thực tế tại Úc, chị Hồng Minh nhận thấy ở Úc có hệ thống hỗ trợ cho nữ giới và người dân tộc thiểu số rất tốt. Được truyền cảm hứng từ khóa học, với vị trí công tác hiện tại, chị Hồng Minh quyết tâm phải làm một việc gì đó để giúp đỡ các SV nữ dân tộc thiểu số ở trường tháo gỡ khó khăn về kinh tế.
Trong quá trình khảo sát, chị Hồng Minh nhận thấy phần lớn sinh viên đều có nhu cầu tìm việc làm thêm. Phục vụ cho dự án, chị Hồng Minh lập một fanpage trên facebook, mời các thầy cô giáo, sinh viên trong trường tham gia để có thể chia sẻ thông tin người tìm việc, việc tìm người.
Ngoài ra, trường có một số diễn đàn của các thầy cô giáo và sinh viên, khi có thông tin việc làm chị Hồng Minh đều chia sẻ trên các nhóm. Mạng lưới thông tin được xây dựng chủ yếu trong nội bộ nhà trường. Chị Hồng Minh chưa mở rộng mạng lưới ra đối tượng bên ngoài vì chưa có hệ thống đầy đủ và muốn đảm bảo những địa chỉ việc làm tin tưởng, môi trường làm việc an toàn cho các nữ sinh viên.
Có 21 sinh viên nữ tiếp cận thông tin của chị Hồng Minh và được giới thiệu các công việc gia sư, hỗ trợ giúp việc gia đình. Không chỉ cung cấp thông tin, chị Hồng Minh còn “tập huấn”, hướng dẫn sinh viên các kỹ năng để có thể làm tốt công việc của mình: Làm gia sư cho học sinh lớp 1 cần như thế nào, nắm bắt tâm lý học trò tuổi teen ra sao, kỹ năng giao tiếp, phương pháp giảng dạy… Trong quá trình làm việc, gặp khó khăn, khúc mắc, các sinh viên lại gọi điện thoại, nhắn tin nhờ chị tư vấn.
“Tôi giống như làm “bầu show” cho sinh viên làm thêm vậy!” – Chị Hồng Minh nói vui về công việc hỗ trợ không thu phí của mình.
Mục tiêu xây dựng mạng lưới rộng hơn
Hiện chị Hồng Minh đang triển khai, mở rộng đối tượng của dự án
Trong quá trình chị Hồng Minh thực hiện dự án, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) triển khai chương trình tư vấn hỗ trợ SV dân tộc thiểu số và sinh viên nước ngoài đang học ở trường. Tuy nhiên, chương trình của nhà trường chủ yếu hướng đến hỗ trợ trong học tập mà chưa quan tâm nhiều đến đời sống của sinh viên.
Nhận thấy khoảng trống này, chị Hồng Minh đã đề xuất nên xây dựng một cách bài bản hệ thống của nhà trường giới thiệu công việc làm thêm cho sinh viên.
Sau khi có đề xuất của chị Hồng Minh, Ban Giám hiệu đã chỉ đạo Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên lên kế hoạch xây dựng Đề án Khôi phục hoạt động của Câu lạc bộ gia sư – vốn được thành lập đã lâu nhưng mức độ ảnh hưởng và được SV biết đến chưa nhiều, đồng thời tạo kênh thông tin để quảng bá CLB gia sư này tới các sinh viên, giảng viên trong trường.
Dự án của chị Hồng Minh đã được báo cáo trong buổi tổng kết khóa học ngắn hạn “Hành trình hỗ trợ phụ nữ trong lãnh đạo”, nhận được đánh giá rất cao của các chuyên gia Úc và Việt Nam. Tuy nhiên, với chị Hồng Minh, dự án không hề kết thúc. Hiện tại chị vẫn đang triển khai, mở rộng đối tượng của dự án: Không chỉ các nữ SV dân tộc thiểu số mà tất cả các SV trong trường có mong muốn, có nhu cầu cần được hỗ trợ sẽ nhận được sự giúp đỡ của tất cả các giảng viên trong trường.
=====================================================================================
“Tôi dự định hình thành mạng lưới cộng tác viên là giảng viên, sinh viên, thêm nhiều hỗ trợ dự án. Để xây dựng một mạng lưới như vậy đòi hỏi cần có nhiều thời gian và triển khai công phu, bài bản. Đây chính là mục tiêu của tôi trong thời gian tới, xây dựng một hệ thống có sức lan tỏa nhiều hơn, giúp được nhiều sinh viên tìm được công việc làm thêm phù hợp”” – TS Nguyễn Thị Hồng Minh
=====================================================================================
Nguồn: Báo GD&TĐ