GD&TĐ – Sáng nay 6/8/2021, cuộc Tọa đàm trực tuyến “Thành phố tiếp cận với người khuyết tật: Xây dựng và Giao thông” đã được thực hiện, sự kiện do các Cựu sinh Australia của chương trình Aus4Skills tổ chức
Cuộc tọa đàm trực tuyến “Thành phố tiếp cận với người khuyết tật: Xây dựng và Giao thông”
Tham dự có các cựu sinh Australia, là những người khuyết tật (NKT), đại diện một số Hội NKT, đại diện Tổ chức phi Chính phủ trong nước và quốc tế, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam. Chị Dương Thị Vân, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Liên Hiệp Hội về Người Khuyết tật Việt Nam đã chia sẻ về giao thông tiếp cận từ góc độ của Hội NKT Tp Hà Nội. Anh Huỳnh Hữu Cảnh, Cựu sinh Đại học Flinders (Australia), Cán bộ Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Kiên Giang chia sẻ trải nghiệm thực tế của một người khiếm thị sống ở một tỉnh phía Nam.
Tọa đàm“Thành phố tiếp cận với người khuyết tật: Xây dựng và Giao thông” thu hút đông đảo chuyên gia
Bài phát biểu Khai mạc – ông Michael Sadlon, Giám đốc Chương trình Úc cùng Việt Nam Phát triển Nguồn Nhân lực (Aus4Skills), cho biết: Hỗ trợ người khuyết tật (NKT) là một trong những ưu tiên của Chính phủ Australia. Chương trình Úc cùng Việt Nam Phát triển nguồn Nhân lực (Aus4Skills) do Chính phủ Australia tài trợ, đã và đang thực hiện nhiều sáng kiến khác nhau để hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này. Một trong những sáng kiến đó là hỗ trợ Nhóm Chuyên ngành Hòa nhập NKT của Cựu sinh Australia, được điều phối bởi chương trình Aus4Skills.
Chủ đề “Thành phố tiếp cận với người khuyết tật: Xây dựng và Giao thông” được thảo luận vào thời điểm mà việc di chuyển của mọi người đều bị hạn chế bởi Covid-19. Thế nhưng người khuyết tật lại phải trải nghiệm hàng ngày những thách thức về tiếp cận ở các thành phố của chúng ta. Do đó, các hoạt động như Hội thảo đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và vận động cho sự thay đổi và thúc đẩy tinh thần Thành phố cho mọi người – bởi vì các vấn đề chúng ta đang đề cập cũng tác động đến người già và các bậc cha mẹ có con nhỏ, v.v.
TS Joanne Webber, người Australia, Giám đốc Công ty Hòa nhập Người khuyết tật, Tư vấn độc lập trong Phát triển hòa nhập NKT Australia, chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng phong trào vận động chính sách cho Tp tiếp cận.
TS Võ Thị Hoàng Yến Người sáng lập và là giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Năng lực Người Khuyết tật, nói về tính tiếp cận các tòa nhà trong Tp với chủ đề “Thành phố của những niềm hy vọng”. Đây là các góc nhìn của NKT về tính tiếp cận của thành phố nơi họ sống và làm việc, từ đó cùng góp tiếng nói của NKT với cộng đồng và các nhà làm chính sách về niềm mong mỏi tính tiếp cận của các đô thị ngày càng được cải thiện.
Các cựu sinh Úc trong Nhóm Hòa nhập NKT tật ý kiến về việc cần thiết phải thúc đẩy thực thi các cam kết chính sách của Australia-Việt Nam nhằm đảm bảo sự hòa nhập khuyết tật . Tăng cường liên kết giữa Nhóm cựu sinh Australia chuyên ngành Hòa nhập NKT và Các Tổ chức của NKT từ Australia. Nhóm Chuyên ngành Hòa nhập NKT của Cựu sinh Australia thông tin thêm “Thành phố tiếp cận 2: Các dịch vụ tiếp cận cho NKT“. Các hoạt động này được kỳ vọng sẽ góp một kênh quan trọng để các cựu sinh Australia chuyên ngành hòa nhập góp phần tác động chính nhằm đẩy mạnh các nỗ lực xây dựng môi trường Việt Nam ngày càng có tính tiếp cận hơn cho NKT.
Tỷ lệ người khuyết tật (NKT) chiếm 7% dân số Việt Nam, dựa trên số liệu thống kê từ Tổng cục thống kê Việt Nam. Để góp phần cải thiện khả năng tiếp cận và từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho NKT tại Việt Nam, chương trình Úc cùng Việt Nam Phát triển nguồn Nhân lực (Aus4Skills) đã tích cực thực hiện rất nhiều hoạt động hỗ trợ NKT, trong đó bao gồm hoạt động của Nhóm Chuyên ngành Hòa nhập NKT của Cựu sinh Australia.
Chương trình đã thúc đẩy khả năng tiếp cận của người khuyết tật ở Việt Nam với: cơ sở vật chất; công nghệ hỗ trợ; giáo dục; cơ hội việc làm; chăm sóc sức khỏe. Mạng lưới thành viên rộng lớn gồm cả cựu sinh viên khuyết tật và không khuyết tật cùng chung mục tiêu thúc đẩy các cam kết chính sách của Australia và Việt Nam về hòa nhập người khuyết tật. Thiết lập các mối quan hệ hợp tác với một số Tổ chức của NKT (ở Việt Nam và Úc) để xây dựng các nguyên tắc cơ bản cho các nỗ lực hòa nhập người khuyết tật.
Nguồn: Hà An – GD&TĐ