Bình đẳng giới là ưu tiên phát triển chung của cả Australia và Việt Nam. Chúng tôi rất vinh dự khi được hỗ trợ Chính phủ Việt Nam sửa đổi Luật Bình đẳng giới thông qua các sáng kiến hợp tác nâng cao năng lực giữa hai bên.
Nằm trong Chương trình Đối tác Mekong – Australia (MAP), Trung tâm Việt – Úc (VAC) đã khai mạc Khóa học ngắn hạn Học bổng Chính phủ Australia: Trao đổi kiến thức – Luật Bình đẳng giới vào ngày 26/02/2024 dành cho các cán bộ cấp cao có nhiệm vụ xây dựng chính sách và ra quyết định của Việt Nam, những người có đóng góp quan trọng trong việc sửa đổi luật bình đẳng giới. Chương trình bao gồm một số hội thảo đào tạo và thảo luận chuyên sâu với các đối tác Australia nhằm trao đổi kiến thức và xây dựng kỹ năng về bình đẳng giới.
Chương trình tham quan, học tập lần này là một trong số nhiều hoạt động đào tạo và chuyển giao kiến thức mà qua đó Australia sẽ hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển đã đề ra và xây dựng mối quan hệ lâu dài nhằm thúc đẩy lợi ích chung giữa hai nước.
Phát biểu trong hội thảo trước khóa đào tạo tại Hà Nội, ông Lê Khánh Lương, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam đánh giá cao cơ hội giúp các cán bộ Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm liên quan trong khu vực và quốc tế, bao gồm chiến lược quốc gia của Australia nhằm đạt được bình đẳng giới. Ông cho biết: “Việc trao đổi kiến thức trong khóa học sẽ là sự hỗ trợ hiệu quả cho quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật của Việt Nam, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước”.
Ông Lê Khánh Lương, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam, phát biểu khai mạc Hội thảo.
Nhấn mạnh sự hợp tác giữa Australia và Việt Nam trong việc đạt được cam kết chung về bình đẳng giới, bà Cherie Russell – Tham tán Phát triển, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho biết: “Việc Việt Nam sửa đổi luật bình đẳng giới là cơ hội đặc biệt để tăng cường năng lực của Việt Nam trong quá trình phân tích tác động về kinh tế và xã hội của luật pháp và chính sách hòa nhập giới. Australia đang hợp tác với Việt Nam thông qua trụ cột quan hệ đối tác nâng cao năng lực nhằm tập trung năng lực của các cán bộ cho việc triển khai những chính sách toàn diện, góp phần thực hiện các ưu tiên phát triển và nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam”.
Bà Cherie Russell – Tham tán phát triển, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam trao đổi về hợp tác song phương về bình đẳng giới trong bài phát biểu khai mạc của mình.
Thông qua các hội thảo tại Việt Nam và hợp phần học tập tại Australia, các học viên sẽ được học hỏi và áp dụng kinh nghiệm quốc tế trong việc tăng cường thực hiện luật bình đẳng giới ở Việt Nam, đặc biệt là về vai trò, trách nhiệm của người lãnh đạo, nguồn nhân lực cho công tác bình đẳng giới ở các cấp và cơ chế quản lý nhà nước nhằm thực hiện các quy định về bình đẳng giới trong pháp luật.
Các học viên sẽ chia sẻ kiến thức, tăng cường sự hiểu biết và đồng thuận giữa các lãnh đạo chính phủ về tầm quan trọng và tính cấp bách của việc sửa đổi luật bình đẳng giới cũng như sự phù hợp của ý nghĩa của công tác này đối với các mục tiêu kinh tế xã hội quốc gia và phát triển nguồn nhân lực.
Để đạt được những kết quả này, nhóm cán bộ cấp cao của Việt Nam sẽ có cơ hội trao đổi với các đối tác Australia đã từng tham gia xây dựng luật bình đẳng giới và chống phân biệt đối xử. Chính phủ Việt Nam luôn ưu tiên học tập kinh nghiệm của Australia nhờ cam kết lâu dài về thúc đẩy bình đẳng giới trong nước. Khung pháp lý và kinh nghiệm thực thi luật pháp của Australia rất phù hợp với bối cảnh của Việt Nam.
Chuyến tham quan, học tập lần này được kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng, và nội dung cũng như giúp Luật Bình đẳng giới của Việt Nam được thông qua một cách kịp thời, phù hợp với các mục tiêu trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam đang sửa đổi Luật Bình đẳng giới sau 15 năm thực hiện. Quá trình sửa đổi luật sẽ đảm bảo tuân thủ các công ước quốc tế như Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) mà Australia và Việt Nam đều đã ký kết. Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia đang hỗ trợ quá trình này với khoản tài trợ một triệu đô la Úc từ năm 2022 đến năm 2025 thông qua UN Women tại Việt Nam.