Một sáng chủ nhật tháng 5/2018, cổng Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi (Đồng Nai) mở đón từng tốp học viên đồng phục màu xanh vào học. Thầy hiệu trưởng – TS Nguyễn Văn Chương cùng các giáo viên đã có mặt ở trường từ sớm, bắt đầu ngày làm việc. “Trường chúng tôi thứ Bảy, Chủ nhật còn đông học viên hơn ngày thường. Nhiều trường nghề mong được như chúng tôi lắm đó!” – thầy Chương cười vui chia sẻ.
TS Nguyễn Văn Chương – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi
Mùa tuyển sinh yên bình
Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi có tuổi đời hơn 40 năm, từ năm 2014, trường trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Thầy Nguyễn Văn Chương giới thiệu rất tự hào về vị trí của nhà trường – nằm ở “trái tim” khu công nghiệp Hố Nai, Trảng Bom (Đồng Nai). Xung quanh trường là các nhà máy, doanh nghiệp công nghiệp liên doanh với nhu cầu về nguồn nhân lực rất lớn.
Đa số học sinh ở đây tốt nghiệp cấp 3 là đi học nghề hoặc đầu quân trường nghề ngay từ năm lớp 10, 11. Học nghề xong đi làm lại có nhu cầu nâng cao tay nghề, tìm địa chỉ để đăng ký học thêm vào ngày nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật. Thế nên trường không lo lắng về tuyển sinh như các trường nghề khác mà dành thời gian để nâng cao chất lượng, tạo các mối quan hệ để gắn chặt đào tạo với thực tiễn lao động sản xuất, nhu cầu doanh nghiệp. Chỉ cần đảm bảo chất lượng “đầu ra”, trường quanh năm không hết việc. Tháng 5 này, trường đang trong “chiến dịch” tuyển sinh với chỉ tiêu 1.200 sinh viên.
Hiện trường đang có mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp, nhà máy trên địa bàn, để dạy lý thuyết ở trường khoảng 30-40%, còn 60-70% là thực hành tại nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn. Ông Nguyễn Vương Long – Phó Giám đốc Công ty Hữu hạn Cơ khí động lực toàn cầu (VPIC) – cho biết: Công ty phối hợp với Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi, tạo điều kiện cho sinh viên được thực tập nghề. Trong các đợt tuyển dụng, nếu ứng viên có kiến thức cơ bản ở trường rồi, vào công ty sẽ thích ứng nhanh hơn.
Được biết sinh viên ở trường vừa tốt nghiệp là đã có việc làm luôn. Nhiều em không mất thời gian ứng tuyển, tìm việc bởi đã được các doanh nghiệp “nhắm” luôn từ khi đi thực tập trong kỳ doanh nghiệp.
Sinh viên Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi trong giờ thực hành lái xe nâng hàng
Trường nghề “chịu khó” hợp tác quốc tế
Xác định phải hợp tác và giao lưu với quốc tế để trang bị cơ sở vật chất hiện đại, chuyển giao công nghệ, cập nhật thêm các giáo trình đào tạo, kỹ năng dạy nghề…, Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi đã hợp tác với Cơ quan Hợp tác quốc tế Đức, Nhật Bản, Tây Ban Nha… Thời điểm này, 7 cán bộ quản lý và giáo viên của trường đang theo đoàn khảo sát, học tập tại Australia theo khuôn khổ Chương trình Australia cùng Việt Nam Phát triển nguồn nhân lực (Chương tình Aus4Skills). Chính vì thế, thầy hiệu trưởng phải làm kiêm nhiệm cả công việc của tổ chức, văn phòng! “Bận việc thêm đấy nhưng… sướng lắm! Bởi nghĩ đến anh em đi sang nước bạn, học được cái hay, cái tốt về ứng dụng ở trường, có thể triển khai được ngay trong năm học mới này là lại vui!” – thầy Nguyễn Văn Chương hào hứng chia sẻ.
Câu chuyện trường tham gia Chương trình Aus4Skills và được lựa chọn tham gia Ban Tư vấn đào tạo ngành Logistics cũng rất thú vị. Thầy Chương kể lúc đầu đi nghe các chuyên gia, còn mơ hồ không hiểu mình có thể tham gia những nội dung gì. Sau mới vỡ lẽ ra: Ô, hóa ra lâu nay mình cũng đào tạo logistics mà không biết! Và thế là trường tích cực tham gia ban tư vấn, đồng thời cử giáo viên tham gia các khóa đào tạo tập huấn quản lý, đánh giá và xây dựng các tiêu chuẩn nghề để tiến tới xây dựng chương tình đào tạo cho 4 nghề logistics theo tiêu chuẩn nghề của Australia.
Hiện trường đang tiến hành tổ chức các khóa đào tạo mới cập nhật tiêu chuẩn nghề theo tiêu chuẩn APEC cho nghề Forklift Operator (lái xe nâng hàng). Thầy Chương hào hứng giới thiệu về sân bãi tập cho nghề lái xe nâng hàng được thầy áp dụng triển khai tại trường ngay sau chuyến học tập ngắn hạn tại Australia. “Nhìn đơn giản thế mà mình cũng phải sang nước bạn mới học được đấy. Tôi chụp ảnh lại và về làm giống y hệt như vậy. Nghề này đòi hỏi phải rất chính xác. Nâng xếp dỡ hàng hóa là linh kiện điện tử mà đặt rầm một cái, hay rơi đổ thì thôi, hỏng hết cả. Vậy nên đòi hỏi tay nghề phải rất cao”.
Nghề lái xe nâng hàng đang rất “hot” trên thị trường lao động logistics. Học phí 3 tháng ở trường cao đẳng nghề cơ giới là 3,5 triệu đồng. Ra trường được tuyển dụng, học viên nhận 6 – 7 triệu đồng/ tháng, làm việc tại các sân bay, cảng biển, nhà ga, hệ thống kho bãi, khu công nghiệp, chế xuất. Tại nơi được gọi là “trái tim” của khu công nghiệp Đồng Nai này, công nhân có tay nghề cao được doanh nghiệp “săn” quyết liệt!
Học viên của Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi không chỉ là học sinh lớp 10, 11, 12, những người lao động mà còn có nhóm những người yếu thế, tái hòa nhập cộng đồng. Trường coi đây là trách nhiệm xã hội, nhiệt tình chỉ dạy với mục đích giúp học viên có được một nghề để làm lại cuộc đời.
Các thầy kể lại những học viên lớp học này đặc biệt lắm, có khi học viên học nghề trong khi vẫn đang bị quản thúc. Dạy gần như miễn phí nhưng nghĩ đến trong tương lai, học viên có được nghề nghiệp ổn định, tự tin hòa nhập xã hội, có được cuộc đời tươi sáng hơn, các thầy cô lại dốc lòng chỉ bảo. Tình cảm của học viên dành cho thầy cô cũng rất đặc biệt, nồng nhiệt và tình cảm vô cùng.
“Chính những tình cảm đấy giúp chúng tôi luôn gắn bó với ngôi trường này” – thầy Chương tâm sự.
“Hiện trường đang tiến hành hoàn thiện các bộ tiêu chuẩn cho các nghề Logistics Administration Officer (nhân viên logistics), Warehouse Supervisor (nhân viên kho hàng) để đưa vào đào tạo trong thời gian tới. Những cán bộ, giáo viên đã, đang và sẽ học tập ngắn hạn tại Australia theo Chương trình Aus4Skills sẽ là nguồn nhân lực chủ chốt đào tạo những nghề trên theo tiêu chuẩn quốc tế” – TS Nguyễn Văn Chương – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại